Sáng 11/8, giá dầu thô thế giới có sự điều chỉnh nhẹ sau phiên tăng giá hôm trước, bên cạnh dấu hiệu phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu…
Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 11/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 được gia dịch quanh mức 97,28 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 0,12% xuống mức 91,82 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tăng 1,1% lên 97,40 USD/thùng và giá dầu thô WTI tăng 1,6% lên 91,93 USD/thùng.
Giá dầu thô được nâng đỡ nhờ thông tin chính thức cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 của Hoa Kỳ tăng 8,5%, thấp hơn so với dự báo tăng 8,7% của các nhà kinh tế học tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Khảo sát gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) khu vực New York cũng cho thấy kỳ vọng lạm phát trong vài năm tới của người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng đã giảm xuống.
Tín hiệu lạc quan về lạm phát tại Hoa Kỳ đã phần nào kích thích giới đầu tư giải ngân đối với các loại tài sản có độ rủi ro cao như hàng hoá, bao gồm cả dầu thô. Bên cạnh đó, việc đồng USD giảm hơn 1% so với các loại tiền tệ chính khác trên thế giới cũng khiến giá dầu thô vốn được định giá bằng đồng USD trở nên “rẻ hơn” đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá dầu thô cũng được hỗ trợ khi Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết mặc dù nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong 4 tuần trước giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lượng tồn trữ xăng tại Hoa Kỳ đã sụt giảm mạnh và nhu cầu sử dụng nhiên liệu đã phục hồi tương đối tốt trong tuần trước.
Nguồn cung xăng dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng lên mức 9,1 triệu thùng/ngày. Khảo sát của hãng tin Reuters đối với các nhà máy lọc hoá dầu và đơn vị vận hành đường ống dẫn dầu tại Hoa Kỳ cho thấy dự báo nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại nước này tăng mạnh trong nửa cuối năm nay.
Ông Matt Smith, chuyên gia phân tích chính về thị trường dầu mỏ Hoa Kỳ của Kpler (Singapore), cho biết trong thời gian vừa qua, thị trường tập trung nhiều vào việc đánh giá rủi ro suy giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu do đó các dữ liệu mới cho thấy sự phục hồi nhu cầu sử dụng đã giúp thị trường trở nên lạc quan hơn.
Tuy nhiên, ông Eli Tesfaye, chiến lược gia thị trường cấp cao tại hãng môi giới giao dịch phái sinh RJO (Hoa Kỳ), nhận định “Thị trường vẫn chưa có động lực tăng trưởng mạnh, với việc đồng USD giảm giá như hiện nay thì đáng lý giá dầu thô có thể tăng thêm tới 2 – 3 USD/thùng nhưng điều này đã không xảy ra”.
Bên cạnh đó, dù lạm phát tổng thể tại Hoa Kỳ có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng lạm phát lõi (đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) trong tháng 7 vẫn tăng 5.9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so với tháng trước. Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng FED sẽ tiếp tục quyết liệt thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Ngay cả khi lạm phát tổng thể giảm tốc nhờ giá năng lượng suy giảm mạnh, thì lạm phát lõi vẫn còn rất cao. FED có khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ vì họ lo ngại lạm phát cao sẽ “bén rễ” vào kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng”, ông Blerina Uruci – chuyên gia kinh tế tại hãng quản lý đầu tư T. Rowe Price Group Inc. (Hoa Kỳ) cho biết.
Chủ tịch FED Jerome Powell cũng từng cho biết FFED muốn thấy bằng chứng rõ ràng và thuyết phục về sự suy giảm của áp lực lạm phát trước khi giảm nhịp độ hoặc ngừng nâng lãi suất.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: