25/8: Giá dầu thô duy trì đà tăng, đàm phán Iran chưa có đột phá

Sáng 25/8, giá dầu thô tiếp tục tăng, tiệm cận 102 USD/thùng, sau thông tin cho thấy đàm phán thoả thuận hạt nhân Mỹ-Iran chưa có đột phá…

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 25/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 tăng 0,7% lên 101,93 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,69% lên 95,54 USD/thùng. Hiện giá dầu thô thế giới đang chạm mức cao nhất trong 3 tuần gần đây.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tiếp tục tăng thêm 1 USD lên 101,22 USD/thùng và giá dầu thô WTI tăng 1,15 USD lên 94,89 USD/thùng. Trong đầu phiên giao dịch, cả hai loại dầu thô đã có lúc giảm mạnh, mất hơn 1 USD/thùng, nhưng sau đó nhanh chóng bật tăng trở lại.

Đà tăng của giá dầu thô trong tuần này tiếp tục được củng cố sau các thông tin cho thấy tiến trình đàm phán thoả thuận hạt nhận giữa Iran và các cường quốc trên thế giới chưa có đột phá. Trong ngày 24/8, Ngoại trưởng Iran cho biết nước này đã nhận được phản hồi từ Hoa Kỳ về “văn bản cuối cùng” liên quan đến cuộc đàm phán thoả thuận hạt nhân nhưng không đưa ra thông tin nào về tiến triển đàm phán giữa các bên.

Đồng thời, Chính phủ Hoa Kỳ cũng có các tín hiệu cho thấy “đã kết thúc” việc xem xét các ý kiến từ phía Iran và sẽ “không xem xét” các nhượng bộ bổ sung đối với Iran để khôi phục thoả thuận hạt nhân. Trước đó, giới đầu tư đã lo ngại nếu Iran và Hoa Kỳ đạt đột phá mới trong tiến trình đàm phán có thể khiến nguồn cung dầu thô từ Iran ra thị trường quốc tế tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong các phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu thô đã được hỗ trợ mạnh từ việc Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, trong ngày 22/8, cảnh báo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác nhằm ngăn chặn việc giá dầu thô suy giảm trong thời gian gần đây.

Saudi Arabia nhấn mạnh việc giá dầu thô của các hợp đồng giao tương lai giảm xuống khiến thị trường quên rằng tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường giao ngay vẫn ở mức nghiêm trọng. Saudi Arabia hiện là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất OPEC và xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Trong một diễn biến có liên quan, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời các nguồn tin thuộc OPEC cho biết OPEC và các đồng minh khai thác dầu thô (liên minh OPEC+) có khả năng sẽ giảm sản lượng khai thác cùng lúc khi nguồn cung dầu thô Iran ra thị trường quốc tế tăng lên trong trường hợp Iran đạt được thoả thuận hạt nhân với các cường quốc. Liên minh OPEC+ hiện đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Hãng tin Reuters cũng cho biết sản lượng khai thác trong tháng 7 vừa qua của liên minh OPEC+ vẫn thấp hơn mức mục tiêu khai thác đến 2,9 triệu thùng/ngày. Hồi đầu tháng này, liên minh OPEC+ đã thông qua việc nâng sản lượng khai thác thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 khi các quốc gia lớn như Hoa Kỳ liên tục gây sức ép nhằm gia tăng nguồn cung dầu thô để hạ nhiệt giá nhiên liệu.

Nhiều chuyên gia nhận định trong liên minh OPEC+ hiện chỉ còn Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) là còn khả năng để nâng thêm sản lượng khai thác nhưng ở mức rất hạn chế.

Theo Tạp chí Công Thương

 

Bài đọc thêm:

  1. Giá xăng hiện đang bình ổn trong kỳ điều chỉnh cuối tháng 8/2022
  2. Giá khí đốt tại thị trường châu Âu thiết lập mức cao kỷ lục mới
  3. Lý do khiến nhiều kho xăng dầu bị tạm dừng làm thủ tục hải quan?
  4. Lệnh trừng phạt Nga ảnh hưởng ngành công nghiệp sushi ở Nhật

Popular Posts

Back To Top