60% doanh nghiệp Việt vấp rào cản tài chính khi chuyển đổi số

Dù nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức…

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 3 khó khăn chính ngăn doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số là: Chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số (chiếm 60,1%); Thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh (52,3%) và Thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (52,3%).

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, nhiều đơn vị quan tâm tới những thách thức cũng như kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Trịnh Thị Hương chia sẻ: “Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số. Doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số như: sự chuyển dịch, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự linh hoạt của các doanh nghiệp Việt Nam, sự sẵn sàng của công nghệ, các nhà cung cấp chuyển đổi số trong doanh nghiệp”.

Tại Việt Nam, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%; khoa học công nghệ 7,3%.

Đặc điểm này khiến chuyển đổi số càng trở nên cấp thiết, theo bà Hương. Vì vậy, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Cục Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Hội đồng doanh nhân nữ và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án LinkSME muốn giúp các doanh nghiệp thấy được bức tranh tổng thể về chuyển đổi số.

Dự án LinkSME cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có 10 doanh nghiệp do nữ làm chủ để cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất.

Thời gian tới, khoảng 150 doanh nghiệp do nữ làm chủ sẽ được hỗ trợ nhằm thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số và hàng nghìn nữ doanh nhân sẽ được tiếp cận những kiến thức và thông tin về chuyển đổi số thông qua các hội thảo và đào tạo. Những biện pháp chính được thực hiện, gồm thông tin chi tiết lộ trình chuyển đổi số, các giải pháp truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử.

Báo cáo của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho thấy, số lượng doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng nhanh những năm gần đây, từ 4% vào năm 2009 đã lên tới 21% vào năm 2011 và đến nay đạt tỷ lệ 25%, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Không chỉ tăng về số lượng, nhiều doanh nhân nữ hiện đạt nhiều thành tựu lớn và được vinh danh các danh hiệu cao quý và giải thưởng quốc tế như: Anh Hùng lao động thời kỳ đổi mới; Top 50 doanh nhân quyền lực nhất châu Á; Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu…

Nhằm phát triển vào chiều sâu, hỗ trợ hơn nữa những doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, USAID sẽ có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số. Một trong số đó là thiết lập mạng lưới chuyên gia cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp với giá ưu đãi, kết hợp với các buổi đào tạo và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. Xây dựng quy trình thủ tục bám sát hướng triển khai hải quan số
  2. Thành công dán tem truy xuất nguồn gốc nước mắm Phú Quốc
  3. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá
  4. Hải Phòng: Thêm 2 máy soi container đi vào hoạt động tại cảng

Popular Posts

Back To Top