Sáng ngày 6/4, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp”.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nằm trong số ít quốc gia Đông Nam Á có độ mở kinh tế cao. Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, triển khai hoặc đang đàm phán, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA,… là cơ hội cho hoạt động XNK hàng hóa của Việt Nam với các thị trường này.
Ngoài ra, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương cũng có nhiều chương trình hỗ trợ DN trong tiếp cận thị trường xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng trong điều kiện dịch Covid -19. Song song đó, các hiệp hội DN, DN kinh doanh khai thác cảng, kho bãi, logistics cũng đã và đang có nhiều chương trình kết nối, phối hợp để hỗ trợ DN XNK phục hồi sau dịch Covid-19.Tại tọa đàm, các diễn giả, DN cho rằng, thời gian qua, các bộ, ngành, trong đó có ngành Hải quan đã triển khai nhiều chương trình cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý đối với hàng hóa XNK nhằm giúp DN rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, đại dịch bùng phát vừa qua đã tác động rất lớn đến các mặt đời sống kinh tế – xã hội của thế giới nói chung và nước ta nói riêng. Trong đó, hoạt động XNK của DN bị ảnh hưởng không nhỏ. Cùng với đó, xung đột quân sự Nga – Ukraine và giá dầu thế giới tăng, dẫn đến chi phí vận tải, logistics tăng cao càng làm cho chi phí XNK gia tăng. Gần đây, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù mức giá đã khá cao, tăng vài lần so với trước khi có dịch… Chi phí XNK tăng cao làm nhiều DN không đủ lực để cạnh tranh.
Nhằm kéo giảm chi phí XNK tăng cao, ông Trần Việt Huy – Trưởng ban Hải quan và thuận lợi hóa thương mại – Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam kiến nghị một số giải pháp ngành Hải quan cần áp dụng như: Áp dụng các biện pháp thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán; nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các DN, hải quan và các cơ quan liên quan (trên nền tảng mạng một cửa quốc gia sẵn có và tiến tới trên nền tảng phần mềm hải quan miễn phí). Đồng thời, đề nghị Tổng cục Hải quan cần tăng cường đại chúng hóa đào tạo đại lý khai thuế hải quan; tăng cường tuyên truyền sử dụng dịch vụ của đại lý hải quan vì đây là xu hướng đã được thế giới chứng minh.
Để thực hiện đề án, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đưa ra 3 giải pháp xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan Hải quan – Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn – DN để thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục giao nhận hàng hoá cho các DN tham gia đề án.
Cùng với đó, Cục Hải quan thành phố bố trí khu vực xếp hàng hóa riêng, có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe chở container của các DN tham gia đề án. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục hải quan – giao nhận hàng hóa XNK và đánh giá mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hải quan đối với công chức Hải quan và cơ quan Hải quan.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38 năm 2021 phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.Liên quan đến việc cắt giảm thủ tục hành chính của ngành Hải quan giúp DN duy trì và phát triển hoạt động XNK, ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin như: thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử; thanh toán điện tử (E-Payment); quản lý giám sát hải quan tự động; thay thế các thủ tục hành chính bằng việc chuyển đổi sang hình thức kết nối, trao đổi dữ liệu thông tin điện tử…
Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tập hợp để kiến nghị các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành hoặc có ý kiến để kịp thời hướng dẫn các Cục Hải quan và DN thực hiện thống nhất.
Theo ông Đào Duy Tám, các giải pháp nêu trên của cơ quan Hải quan đã góp phần đáng kể vào việc cắt giảm thời gian thông quan hàng hoá qua biên giới, tiết kiệm được nhiều chi phí cho DN, giúp các DN nâng cao năng lực cạnh trạnh.
Trong giai đoạn tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN. Trong đó, tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan, hướng tới hải quan số, hải quan thông minh.
Theo Báo Công Thương
Bài đọc thêm:
- Doanh nghiệp Việt mất lợi thế vì chi phí xuất nhập khẩu tăng mạnh
- Chi phí logistics đè nặng doanh nghiệp xuất khẩu quốc tế
- Doanh nghiệp đuối sức với chi phí logistics liên tục tăng