Báo cáo từ các cửa hàng đại lý xăng dầu: càng bán lại càng lỗ

Trong khoảng hơn 1 năm trở lại, thù lao của các đại lý xăng dầu dao động bình quân ở mức 0-200 đồng/lít. Bán ít lỗ ít, bán nhiều lỗ nhiều…

“Gồng” lỗ trên từng lít xăng bán ra

Một đại lý bán lẻ xăng dầu chia sẻ, hiện nay đại lý bán lẻ nằm cuối chuỗi cung ứng, điều kiện bị ràng buộc vô cùng chặt chẽ. Lợi nhuận của đại lý là dựa vào thù lao (chiết khấu) trên lít mà nhà cung cấp đưa ra hàng ngày.

Đại lý bán lẻ chỉ được quyền mua ký hợp đồng với một nhà cung cấp duy nhất và phải được sở công thương chấp thuận. Giá mua vào hoàn toàn phụ thuộc vào thù lao mà nhà cung cấp báo hàng ngày. Giá bán ra sẽ được quy định bằng văn bản bởi Bộ Công Thương theo khung thời gian 10 ngày/lần điều chỉnh (trước đây là 15 ngày).

Như vậy, đại lý bán lẻ hoàn toàn bị động, phụ thuộc trong mọi tình huống, không có quyền quyết định giá mua vào hay giá bán ra. Hiện tại vẫn đang có sự chênh lệch thù lao hàng ngày giữa các nhà cung cấp với nhau trung bình 50 đồng-150 đồng/lít. Cũng như nguồn hàng, nhà cung cấp này cạn nguồn nhưng nhà cung cấp khác vẫn còn.

Một đại lý bán lẻ xăng dầu phải tốn chi phí ước tính bình quân trên lít xăng dầu như sau: chi phí vận chuyển khoảng 100-200 đồng; chi phí nhân viên khoảng 300-400 đồng; chi phí hoạt động, khấu hao khoảng 100 đồng. Như vậy, để đạt mức hoà vốn cần 600 đồng/lít.

Đã hơn một năm nay, thù lao của đại lý dao động bình quân ở mức 0 đồng-200 đồng/lít. Với mức thù lao này, đại lý bán lẻ sẽ phải “gồng” lỗ trên từng lít bán ra. Trung bình một cây xăng doanh số bán 100.000 lít/tháng sẽ lỗ khoảng 40 triệu đồng và điều này đã kéo dài hơn 1 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Thực, chủ một cây xăng ở Hưng Yên cũng chia sẻ: khi giá lên, đầu mối bắt đại lý phải nhập hàng với giá cao hơn giá bán lẻ bên ngoài là 1.000 đồng/lít. Khi giá giảm, xăng tồn trong cửa hàng không tiêu thụ hết, bởi cửa hàng luôn phải đảm bảo hàng tồn kho thấp nhất là 3 khối mỗi loại xăng dầu.

“Hiện giờ chúng tôi không nhập được hàng. Còn nếu lấy được về đến cửa hàng thì bị âm 150 đồng/lít. Đầu mối chiết khấu cho đại lý 0 đồng. Đại lý phải chịu 150 đồng tiền vận chuyển từ kho ở Hải Phòng, chưa kể tiền thuê mặt bằng, tiền điện, lương công nhân và các chi phí khác. Chúng tôi đang chết dần chết mòn”, ông Thực nói.

Kiến nghị được nhập xăng từ nhiều đầu mối

Theo các doanh nghiệp xăng dầu tư nhân, từ ngày kỳ điều hành giá xăng dầu giảm từ 15 ngày/lần xuống 10 ngày/lần, việc kinh doanh càng khó khăn hơn do hàng nhập về vẫn còn. Trong khi đó, cửa hàng không thể lấy lẻ 100 hay 200 lít.

Để khắc phục tình trạng chiết khấu thấp, khan hàng, các đại lý xăng dầu kiến nghị cho phép các cây xăng được nhập hàng của nhiều đầu mối, thay vì chỉ được nhập của một đầu mối xăng dầu như hiện hành.

Kiến nghị Bộ Công Thương nên cho phép một cửa hàng được lấy của nhiều đầu mối xăng dầu, ông Thực nhấn mạnh: “Hiện nay, các đầu mối xăng dầu đều hiểu rằng các cây xăng không còn lựa chọn nào khác, buộc phải lấy hàng của họ nên họ cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải chịu. Nếu cho phép các cây xăng lấy của nhiều đầu mối, nơi nào chiết khấu cao hơn cửa hàng sẽ nhập chỗ đó. Làm như vậy, việc kinh doanh sẽ có tính cạnh tranh, công bằng hơn”.

Có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu đại lý xăng dầu chỉ được lấy hàng của một đầu mối nhằm quản lý chất lượng xăng tốt hơn. Tuy nhiên ở góc độ này, một số đại lý bán lẻ xăng dầu lập luận: khi cho phép đại lý được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp trở lên, nếu cả 2 nhà cung cấp điều đạt chất lượng, được cấp chứng thư chất lượng theo quy định thì tại sao lại có chuyện khó kiểm soát.

Khi xảy ra sự cố chất lượng, cấp quản lý chỉ cần lấy mẫu ở cây xăng và mẫu ở cả 2 nhà cung cấp để so sánh, đánh giá.

Theo Hải quan Online

 

Bài đọc thêm:

  1. Giá xăng hiện đang bình ổn trong kỳ điều chỉnh cuối tháng 8/2022
  2. Giá dầu thô vượt 100 USD/thùng, Ả rập cảnh báo siết nguồn cung
  3. Lý do khiến nhiều kho xăng dầu bị tạm dừng làm thủ tục hải quan?
  4. Hạn hán cạn nước trơ đáy, lòng sông Dương Tử lộ ra tượng Phật

Popular Posts

Back To Top