Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã tăng thêm 215 ha. Lũy kế đến nay, đã thả giống 2.000 ha, đạt 80% kế hoạch năm 2022.
- Bến Tre triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
- Tổng kinh phí đầu tư cho nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao dự kiến hơn 10.705 tỷ đồng.
Tỉnh Bến Tre đang mở rộng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nhằm phát triển ngành tôm trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn trên địa bàn. Kế hoạch đề ra năm 2022 là tỉnh sẽ phát triển 500 ha nuôi tôm công nghệ cao…
Hiện tỉnh đang triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để thực hiện mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện biển đến năm 2025 (huyện Bình Đại 2.000 ha, huyện Ba Tri 500 ha, huyện Thạnh Phú 1.500 ha).
Để giúp doanh nghiệp, nông dân phát triển ngành nghề đầy tiềm năng này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030, xác định 6 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: Dừa, cây ăn quả, cây giống và hoa cảnh, lợn, bò, tôm.
Với sản phẩm tôm, Bến Tre đặt mục tiêu hoàn thành 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao và giá trị sản xuất đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Cụ thể hóa Nghị quyết Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, với tổng kinh phí dự kiến đầu tư hơn 10.705 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, số còn lại là vốn dân, vốn doanh nghiệp 9.500 tỷ đồng. Thời gian tới, Tỉnh Bến Tre dự kiến sẽ chuyển đổi một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thuộc 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú thành vùng nuôi thủy sản chuyên canh, nuôi tôm công nghệ cao phù hợp với quy hoạch, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp thoát nước đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện ven biển.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,13 tỷ USD, tăng 50,6% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 3,65 tỷ USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng khả quan, trừ xuất khẩu sang thị trường Anh giảm trong tháng 4/2022. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng mạnh. Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, mặc dù chính sách “Zero Covid” khiến hoạt động vận tải gặp khó khăn, việc kiểm tra Covid trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, việc nhiều tỉnh, thành phố tại Trung Quốc bị phong tỏa khiến nguồn cung thủy sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu gặp khó khăn. Do đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc các tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng 3 con số so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường lớn trong Liên minh châu Âu cũng tăng mạnh. Theo đó, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hà Lan tăng 64,8% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu sang Bỉ tăng 76,8%; xuất khẩu sang Đức tăng 39,3%.