Đến cuối 2021, tổng công suất lắp đặt của Trung tâm năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận đã đạt tổng là 3.475 MW, thuộc top đầu trên cả nước…
Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 2874/KH-UBND về việc hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành của từng ngành, địa phương, nhằm góp phần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đồng thời, bảo đảm phát triển năng lượng phù hợp với tiếm năng, lợi thế của tỉnh, đầu tư đồng bộ với hạ tầng truyền tải, cung cấp nguồn năng lượng ổn định có chất lượng cao với giá cả hợp lý để phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nahnh và bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trên địa bàn, ưu tiên phát triển các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới, thực hiện tiết kiệm và sử dụng điện an toàn và hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 bao gồm: nâng tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW (điện mặt trời 3.440MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200MW, thủy điện 360MW, điện khí LNG 1.500MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh; Cơ bản thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh. Hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng quy hoạch điện VIII và đáp ứng hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Định hướng đến năm 2030: tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800MW; giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 04 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Để hiện thực các mục tiêu trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó, tỉnh sẽ tham mưu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ban hành cơ chế chính sách giá điện và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án năng lượng tái tạo làm cơ sở kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng tiến hành rà soát các nguồn điện năng lượng tái tạo đã được các cấp phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch điện lực tỉnh đủ điều kiện triển khai giai đoạn 2021 – 2025 và danh mục dự kiến giai đoạn 2026 – 2030.
Phát triển hệ thống tiêu thụ năng lượng tại chỗ và hạ tầng truyền tải kết nối khu vực giải tỏa công suất; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng.
Trong hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế- xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023, quy mô Trung tâm năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng.
Từ chỗ chỉ có một số nhà máy thủy điện nhỏ có đóng góp không đáng kể cho GRDP của tỉnh, đến nay (cuối 2021) Trung tâm năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận đã đạt tổng công suất lắp đặt 3.475 MW, thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Hầu hết các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân, đóng góp tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cũng là một trong ba trụ cột kinh tế (cùng với du lịch và nông nghiệp) đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua.
Ninh Thuận cũng là tỉnh đầu tiên thực hiện đầu tư tư nhân cho đường dây cao áp 500kV để truyền tải năng lượng tái tạo lên lưới điện quốc gia. Tuy vậy, quá trình hình thành và phát triển Trung tâm năng lượng tái tạo của Ninh Thuận còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm:
- Dùng điện ngày nào biết được số điện ngày đó với App EVNHANOI
- Ký thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen
- Ngày 21/7: Giá xăng trung bình giảm về ngưỡng 26.000 đồng/lit
- Nghị quyết về thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM từ mùng 1/8
- Trung Quốc tố Mỹ chèn ép chuỗi cung ứng toàn cầu sau lệnh cấm