Tổng diện tích thanh long toàn Bỉnh Thuận hơn 33.000ha với sản lượng hằng năm khoảng 700.000 tấn đã nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình…
Thanh long của tỉnh Bình Thuận trong những năm qua đã không ngừng tăng nhanh, cả diện tích và sản lượng.
Tổng diện tích thanh long toàn tỉnh hiện có hơn 33.000ha với sản lượng hàng năm khoảng 700.000 tấn.
Sản xuất thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, trước việc một số cửa khẩu biên giới phía Bắc đóng cửa thông quan và việc Trung Quốc ban hành các Quyết định quy định việc nhập khẩu thực phẩm vào nước này ảnh hưởng đến xuất khẩu của nông sản, đặt biệt là thanh long Bình Thuận.
Trước vấn đề này, Bình Thuận đang tích cực triển khai nhiều biện pháp, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho trái thanh long.
Sản xuất theo hướng tiêu chuẩn, an toàn
Định hướng phát triển thanh long của tỉnh Bình Thuận hiện nay là không khuyến khích phát triển diện tích, mà tập trung phát triển sản xuất thanh long đi vào chất lượng để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap,GlobalGAP. Đồng thời, triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu…
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, để thanh long phát triển có hiệu quả, ổn định và bền vững, phải sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Việc sản xuất này sẽ đáp ứng thị trường đang ngày càng đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Bình Thuận đang hình thành vùng sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng công nghiệp cao tại hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Tỉnh cũng đang triển khai dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000ha tại huyện Bắc Bình cho nhiều loại cây trồng khác nhau; trong đó, có cây thanh long.
Thanh Long Bình Thuận có giấy tờ vào thị trường khó tính
Thực hiện chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh về triển khai chương trình sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn, các sở, ngành liên quan, các địa phương đã nỗ lực sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP. Đến tháng 12/2021, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP là 12.000ha, chiếm khoảng 30% diện tích thanh long toàn tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP thời gian qua đã đạt một số hiệu quả nhất định. Việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đã đáp ứng việc nâng cao giá trị sản phẩm thanh long và đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Mặc khác, góp phần cải thiện môi trường sản xuất; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng uy tín và chất lượng cho sản phẩm thanh long Bình Thuận.
Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn vẫn chưa ổn định, chưa có sự gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Nhiều nông dân tham gia sản xuất thanh long VietGAP cho biết hiện chưa có sự khác biệt nhiều giữa giá thu mua thanh long chuẩn VietGAP và chưa có VietGAP. Do đó, chưa thu hút đông đảo người dân tham gia trồng thanh long tiêu chuẩn theo đúng kế hoạch đề ra.
Mở rộng thị trường
Hiện thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái tươi; khoảng từ 15-20% sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường nội địa; từ 80-85% tập trung cho xuất khẩu.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ thanh long trong và ngoài nước.
Cụ thể là, tổ chức các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ trái thanh long của tỉnh Bình Thuận, thực hiện mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp (mô hình tiêu thụ thanh long). Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ hóa các giải pháp nhằm đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
Các cơ quan kiểm dịch tại khu vực cảng, cửa khẩu ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm dịch thực vật đối với thanh long xuất khẩu; tăng cường an ninh, trật tự trên địa bàn, giúp thương nhân thu mua thanh long. Cùng đó, cho phép các biện pháp phù hợp để ưu tiên đối với việc vận chuyển thanh long, điều tiết kịp thời các phương tiện vận tải để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa…
Trong tháng 8/2021, Sở Công Thương Bình Thuận đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021 thông qua hình thức Zoom, Tencent và Facebook.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã thanh long của tỉnh đã kết nối giao thương trực tuyến với đối tác: Ấn Độ, một số doanh nghiệp tại thị trường Australia, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu…
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, kết thúc phiên kết nối giao thương trực tuyến, doanh nghiệp các bên nhất trí sẽ tiếp tục kết nối, trao đổi thông tin cụ thể (giá cả, quy cách sản phẩm…) để có thể tiến tới ký kết hợp đồng kinh doanh trong thời gian tới. Hội nghị mở ra cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long của tỉnh trong thời gian tới.
Đầu tháng 10/2021, một tin vui đến với người trồng thanh long Bình Thuận là Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý quả thanh long của Bình Thuận. Đây là nông sản thứ 2 của Việt Nam, sau vải thiều Lục Ngạn, được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng, khẳng định uy tín của thanh long Bình Thuận, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ ở các thị trường khó tính khác như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand….
Để đảm bảo mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước.
Theo kế hoạch, đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường các nước; trong đó, chú trọng củng cố và mở rộng các thị trường xuất khẩu truyền thống hiện có, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở thêm các thị trường mới, tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Hiện nay, việc một số cửa khẩu biên giới phía Bắc đóng cửa thông quan và việc Trung Quốc ban hành Quyết định 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Quyết định 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu.”
Những quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của nông sản Việt Nam, đặt biệt là thanh long Bình Thuận.
Trước vấn đề này, Sở Công Thương Bình Thuận đã thông báo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đến các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc được biết để chủ động xây dựng Kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời, có sự phối hợp trong việc điều tiết, vận chuyển hàng hóa lên các cửa khẩu hợp lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ trong thời gian tới, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cung cấp cho Sở Công Thương về dự báo tình hình sản xuất, thu hoạch thanh long của tỉnh trong thời gian đến Tết Nguyên đán 2022.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu để có phương án điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu thanh long nói riêng và các loại trái cây, nông sản nói chung sang Trung Quốc; giữ liên lạc chặt chẽ, trao đổi với các đối tác nhập khẩu để nắm bắt tình hình việc tiếp nhận hàng hóa tại các cửa khẩu.
Đồng thời, các doanh nghiệp liên hệ với đối tác để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch, nhằm giảm thiểu rủi ro mà hình thức thương mại tiểu ngạch có thể đem lại.
Bên cạnh việc tiêu thụ thanh long trái tươi, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm từ trái thanh long như: nước ép, sấy khô, sấy dẻo, rượu vang thanh long… Các sản phẩm này bước đầu đã thâm nhập thị trường và được người tiêu dùng quan tâm. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng góp phần đa dạng thị trường tiêu thụ trái thanh long Bình Thuận.
Theo Vietnam+