Ba tháng đầu năm nay, XK cá tra sang thị trường Malaysia đã tăng trưởng tích cực trở lại sau 3 năm dịch Covid-19 bị ảnh hưởng…
Hiện nay, Malaysia là thị trường điểm đến của gần 40 doanh nghiệp cá tra Việt Nam với sản phẩm XK khá đa dạng như: cá tra phile đông lạnh, cá tra finger tẩm bột chiên sơ đông lạnh, cá tra formed tempura tẩm bột chiên sơ đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, cá tra cắt khúc/miếng đông lạnh, bong bóng cá tra sấy…
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Malaysia là một trong ba thị trường XK cá tra tiềm năng nhất trong khối ASEAN (cùng Thái Lan và Singapore). Kể từ khi dịch xảy ra, hoạt động giao thương sang thị trường này gián đoạn và giảm sút trong nhiều tháng liên tiếp. Sự phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của nước này đang tăng, trong đó nhu cầu nhập các sản phẩm Halal cũng tăng mạnh. Đây có thể là cơ hội tốt cho các DN XK cá tra Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.
Cho tới thời điểm này, Việt Nam và Trung Quốc vẫn là hai thị trường cung cấp hàng đầu sản phẩm cá thịt trắng của Malaysia. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu, chiếm gần 50% tổng giá trị NK cá thịt trắng của Malaysia. Đứng sau Việt Nam, các DN XK Trung Quốc cũng đang tích cực XK sản phẩm cá minh thái (pollock), cá tuyết cod, cá rô phi sang thị trường này.
Tháng trước, ngày 18/3, Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) đã thông cáo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ bắt đầu có hiệu lực đối với Malaysia. Dựa trên hệ thống thương mại đa phương tuân theo các quy tắc, RCEP sẽ tạo điều kiện cho Malaysia hội nhập sâu rộng hơn vào nền thương mại, đầu tư tự do toàn cầu nhờ xóa bỏ khoảng 90% thuế quan giữa các nước thành viên.
RCEP có hiệu lực, Malaysia mong muốn thúc đẩy XK, đầu tư sang Việt Nam, mặt khác cũng mong muốn phát triển giao thương với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thủy sản. Cho nên, nếu tận dụng lợi thế, thời điểm cơ hội, XK cá tra sang Malaysia sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Bài đọc thêm: