Giá cước leo thang, áp lực dòng tiền,..là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp đề xuất giảm chi phí để phục hồi sản xuất kinh doanh…
Trong bối cảnh nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 và 16+ trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh thành phía Nam, dẫn đến những khó khăn rất lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh vận tải và logistics.
Không chỉ vậy, chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng cao, nỗ lực nhằm duy trì sản xuất kinh doanh theo yêu cầu “3 tại chỗ” áp lực lớn đến doanh nghiệp. Đặc biệt, giá cước tàu tăng cùng hàng loạt các phụ phí từ hãng tàu trở thành gánh nặng tài chính lên chi phí Logistics và áp lực lên doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi lại trạng thái sản xuất kinh doanh, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Tổng giám đốc T&M Forwarding, đại diện cho các doanh nghiệp ngành logistics đã đề xuất Chính phủ, các bộ ngành, địa phương những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, thứ nhất: đề nghị các địa phương thống nhất quy định về phòng chống dịch trong hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hoá và kiểm soát các lái xe
Thứ hai: cần thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hoá thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo Hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của Hải quan như thông lệ của các nước Tây Âu – Bắc Mỹ sẽ làm giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ ba: đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp logistics. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong đó, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
Thứ tư: đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng và tới đây là TP HCM.
Thứ năm: đề nghị Chính phủ có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam.
Thứ sáu: đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông, các bộ ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong việc chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nhất là phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo vla
Bài đọc thêm: