Các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á đang chật vật để tìm nguồn cung mới sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này vào ngày 14/5.
- Ấn Độ, nguồn cung cấp lúa lớn thứ 2 thế giới sụt giảm xuất khẩu do xung đột Nga-Ukraine.
- Giá lúa mì tại Chicago cũng chịu ảnh hưởng, tăng giới hạn mức 6%.
Theo các chuyên gia, các nhà nhập khẩu lúa mì, đặc biệt là ở châu Á, đã phải dựa vào nguồn cung từ Ấn Độ – nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới – trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu mặt hàng này từ khu vực Biển Đen sụt giảm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng, ảnh hưởng đến xuất khẩu lúa mì của nước này, trong khi xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Một công ty kinh doanh lúa mì có trụ sở tại châu Âu nhận định các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á có nguy cơ gặp khó khăn lớn vì Ấn Độ là lựa chọn thay thế nguồn cung từ Ukraine và Nga, đặc biệt là đối với loại lúa mì làm thức ăn cho gia súc.
Các thương nhân dự báo, lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ có thể đẩy giá lúa mì toàn cầu lên mức cao kỷ lục mới, đặc biệt tác động mạnh đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi.
Giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago đã tăng lên mức giới hạn 6% vào ngày 16/5. Các thị trường hàng đầu cho xuất khẩu của Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Indonesia, Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ.
Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh các cường quốc xuất khẩu truyền thống như Canada, châu Âu và Australia cũng hạn chế lượng xuất khẩu.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 16/5 tuyên bố, những nỗ lực của phương Tây và G7 nhằm cô lập Nga là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu lương thực toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.
Theo VTV
Bài đọc thêm