Với mục tiêu đưa ngành hàng thanh long phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, thanh long Việt Nam phải có một cuộc đổi mới…
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện thanh long Việt Nam được trồng hầu hết 63 tỉnh thành với tổng diện tích gần 65.000 ha, sản lượng trung bình gần 1,4 triệu tấn/năm.
Trong đó, 3 tỉnh gồm Bình Thuận, Long An, Tiền Giang trồng thanh long nhiều nhất. Năm 2015, giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam đạt 483 triệu USD và đến năm 2020 đạt hơn 1,1 tỷ USD. Chính vì sức hấp dẫn của thanh long đã thúc đẩy việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng để phục vụ xuất khẩu.
Thế nhưng thanh long phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chủ yếu xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch. Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid-19” khiến việc xuất khẩu thanh long sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, giá thanh long giảm mạnh.
ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 10.000 ha thanh long với tổng sản lượng 260 ngàn/tấn. Trong đó, có 73 cơ sở thu mua, chế biến xuất sang thị trường Trung Quốc với sản lượng 150 ngàn tấn. Khó khăn đối với tiêu thụ thanh long ở Tiền Giang cũng như Bình Thuận, Long An là phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Mỗi khi thị trường này thay đổi chính sách thì tiêu thụ khó khăn, giá rớt chỉ còn 2-3 ngàn đồng/kg, bà con thua lỗ nặng.
Do đó các địa phương cho rằng, để giảm lệ thuộc vào thị trường này, chúng ta cần quy hoạch lại vùng trồng, mời gọi doanh nghiệp chế biến sâu, đầu tư kho lạnh, từng bước giảm sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cũng như đa dạng thị trường tiêu thụ.
Sau khi nghe các ý kiến các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trình chiếu clip nói về một nông dân trồng thanh long nhưng phải đổ bỏ sản phẩm cho bò ăn vì không có đầu ra.
Bộ trưởng giao Cục Trồng trọt cần nghiên cứu, phân tích kỹ về thị trường. Còn các địa phương phải có trách nhiệm kiểm soát, nắm bắt cụ thể bao nhiêu bà con sản xuất thanh long, bao nhiêu vựa thu mua… Từ đó có phương hướng đưa nông dân vào hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, đưa các vựa vào tổ chức.
Cùng với đó, nghiên cứu giảm chi phí đầu vào, để giảm rủi ro khi sản phẩm rớt giá. Cũng như chuyển từ xuất thanh long tiểu ngạch sang chính ngạch. Bởi vì đây là xu hướng của các nước để kiểm soát về dịch bệnh, thuế, thậm chí về đồng tiền…
Bài đọc thêm: