Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải vừa được World Bank và S&P Global Market Intelligence xếp hạng 11/370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu…
Vượt lên nhiều cảng lớn trong khu vực
Theo bảng xếp hạng cụm cảng CM-TV xếp hạng thứ 11 CCPI (theo kiểu tính thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu) hoặc thứ 13 (theo kiểu tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó). Đặc biệt hơn, khi theo kiểu tính thống kê, CM-TV đứng trên 3 cảng trung tâm trung chuyển lớn là PTP Malaysia (thứ 16), Singapore (thứ 31) và Hồng Kông (thứ 38) và đứng cả trên cảng Nhật Yokohama (thứ 12) – cảng danh giá thường có năng suất bốc xếp cao nhất thế giới.
Bảng xếp hạng này căn cứ trên các tiêu chí liên quan tới thời gian tàu container cần để hoàn thành việc bốc và dỡ container tại một cảng trong toàn bộ thời gian suốt năm 2021. Chỉ số CCPI được tính trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Ngoài ra, 2 yếu tố cũng được tính toán là yếu tố tàu lớn (tiết kiệm nhiên liệu hơn) và yếu tố công nghệ thông tin-số hoá.
Hiện nay, hơn 60% sản lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng container đi qua các cảng biển. Trong bối cảnh thế giới đang khắc phục hậu quả do dịch COVID-19, việc công bố bảng xếp hạng các cảng container toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà xuất nhập khẩu, các hãng tàu, các bên cung cấp dịch vụ logistics mà còn có ý nghĩa với việc hoạch định chính sách của các quốc gia.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) chia sẻ, đây là kết quả của nỗ lực không ngừng của cả cộng đồng hàng hải tại cụm cảng nước sâu CM-TV, sự chỉ đạo sát sao của Bộ GT-VT, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả các bên liên quan như: Hải quan, biên phòng, hoa tiêu, bảo đảm hàng hải, lai dắt, các hãng tàu và các DN cảng…
“Khu vực cảng nước sâu CM-TV có tiềm năng trở thành một khu vực cảng trung chuyển của khu vực và thế giới. Qua đó, cho thấy việc triển khai khai thác các thế hệ tàu siêu lớn đang là xu hướng tất yếu của các hãng tàu. Vì vậy chủ trương của Bộ GT-VT về việc đón các tàu siêu lớn vào khu vực CM-TV làm hàng là một chủ trương hoàn toàn hợp lý”, ông Nguyễn Xuân Kỳ cho biết thêm.
Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
Theo ông Martin Humphreys, chuyên gia kinh tế vận tải hàng đầu và lãnh đạo toàn cầu về kết nối vận tải và hội nhập khu vực tại Ngân hàng Thế giới, sự phát triển của cơ sở hạ tầng cảng container hiệu quả và chất lượng cao là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của chiến lược tăng trưởng xuất khẩu ở cả các nước đang phát triển và phát triển. Hơn nữa, hoạt động của cảng sẽ đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh và cải thiện khả năng phục hồi các cửa ngõ hàng hải, nút quan trọng trong hệ thống hậu cần toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các DN cảng biển tại CM-TV đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn hóa tối đa các quy trình, từng công đoạn và từng tác nghiệp trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng với mục tiêu giải phóng tàu và hàng hóa nhanh chóng, an toàn. Đơn cử như, CMIT đã triển khai phương thức làm việc CMIT (Way of Working), xây dựng văn hóa cải tiến trong đó áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen vào từng bộ phận, từng phòng ban, từng tác nghiệp.
Đây cũng là cảng đầu tiên trong cụm cảng triển khai hệ thống kết nối quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa; thực hiện hóa đơn điện tử, lệnh giao hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia vào nền tảng chuỗi cung ứng TradeLens sử dụng công nghệ blockchain, triển khai cổng thông tin hàng hóa trực tuyến báo cáo khai thác tàu điện tử.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) cho biết, TCIT hiện đang nắm giữ 40% thị phần, với 10 tuyến dịch vụ quốc tế hàng tuần kết nối với các cảng ở Bắc Mỹ, Canada, châu Âu và Nội Á. Năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 cũng như những biến động của ngành hàng hải thế giới, TCIT vẫn đạt được những kết quả hết sức khả quan: sản lượng thông qua cảng đạt gần 2,1 triệu TEU (chưa tính sản lượng sà lan), là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng thông qua vượt mốc 2 triệu TEU, liên tục thiết lập các mốc kỷ lục xếp dỡ tàu mẹ (15.615 TEU) và kỷ lục năng suất xếp dỡ (238.08 cont/ giờ/tàu).
TCIT không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng năng suất giải phóng tàu, tạo dựng niềm tin với các khách hàng, hãng tàu trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước nâng tầm vị thế cảng nước nhà trên bản đồ hàng hải thế giới.
Đánh giá từ các chuyên gia cảng biển cho thấy, dịch COVID-19 bùng phát không chỉ gây tắc nghẽn cảng, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các thủ tục hành chính thông thường. Nhưng việc linh hoạt áp dụng các giải pháp điện tử hoá trong thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi để duy trì sự thông suốt của chuỗi cung ứng hàng hoá tại các cảng, tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh cho DN cảng biển, xuất nhập khẩu và đơn vị cung ứng dịch vụ logistics.
Ông Đỗ Công Khanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept (chủ đầu tư cảng Gemalink) cho biết, hiện Gemalink có khả năng phục vụ các cỡ tàu lớn nhất trên thế giới, và sẽ cùng với các cảng tại khu vực CM-TV bảo đảm thực hiện tốt chủ trương này. Đưa CM-TV thành khu vực có vai trò quan trọng phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu kết nối trực tiếp đi Mỹ, châu Âu và toàn vùng nội Á…
Theo Báo BR-VT
Bài đọc thêm: