Việt Nam có thể hứng chịu những tác động từ xung đột giữa Nga – Ukraine. Vậy kinh tế Việt Nam sẽ ứng phó ra sao?
Tác động của căng thẳng Nga – Ukraine
Xung đột giữa Nga và Ukraine đang khiến giá dầu được các chuyên gia phân tích nhận định là tăng “dựng đứng”. Ngày 2/3, dầu Brent đã vượt mức 110 USD/thùng – lần đầu tiên kể từ năm 2014. Giá dầu, khí đốt tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới bởi đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với hầu hết các quốc gia. Việt Nam với nền kinh tế mở chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD tăng 13,8% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD.
Đối với Ukraine, thương mại hai chiều Việt Nam – Ukraine mới đạt trên 720 triệu USD. Tức cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng trên 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021.
Theo ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, vì vậy sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến động của thị trường quốc tế và ảnh hưởng ban đầu đó là về thương mại hàng hóa, cung cầu, giá cả, vận chuyển, lưu thông hàng hóa….
Ông Tạ Hoàng Linh cũng cho biết, Việt Nam chủ yếu xuất sang Nga là điện thoại, máy tính, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, đồ gỗ, da giày, thực phẩm… Theo thông tin hiện nay các mặt hàng này không nằm trong diện trừng phạt và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể giao dịch với Nga.
“Tuy nhiên do tác động của lệnh trừng phạt và kinh tế giảm sút nên đồng nội tệ Nga cũng mất giá rất nhanh, sức mua giảm và việc Nga bị trừng phạt nặng nền làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngại ngần, hạn chế giao dịch với tị trường Nga trong thời gian tới. Dự báo xuất khẩu thời gian tới của Việt Nam sang Nga sẽ có những sự giảm sút nhất định”, ông Linh cho hay.
Ngoài ra, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung, vì vậy giá cả nhiều mặt hàng thời gian tới sẽ tăng trên phạm vi toàn cầu. Đối với Việt Nam, lạm phát sẽ là yếu tố chính, quan trọng ảnh hưởng trực tiếp khi nói tới nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đồng bộ giải pháp đảm bảo ổn định hoạt động xuất nhập khẩu
Việt Nam hiện đang giữ vị trí số 1 về kim ngạch thương mại với Nga trong số các quốc gia Đông Nam Á và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Nga trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Những bất ổn chính trị sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường này. Chiều 2/3, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp trước tình hình hiện nay.
Hiện nay có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang băn khoăn về việc sẽ thu tiền hàng như thế nào khi Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Việc tìm những cách thức thanh toán khác để thay thế và không làm gián đoạn hoạt động giao thương cần được tính đến.
Việc các nước áp đặt lệnh trừng phạt với Nga có thể đặt ra thách thức với những doanh nghiệp Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Nga và xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường khác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ giữa 2 Bộ trong việc đánh giá tình hình, tăng cường cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tình hình hiện nay.
Dự báo, cuộc khủng hoảng Nga và Ukraine sẽ có những tác động trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới trong đó có Việt Nam. Nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, năng lượng…
Việc chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những diễn biến có thể xảy ra từ sớm sẽ giúp chúng ta có những cách thức ứng phó phù hợp, vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra.
Chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia trực tiếp ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương đã có những phân tích chi tiết các vấn đề trên!
Theo VTV.vn
Bài đọc thêm: