Cảnh báo lừa đảo gia tăng trong giao dịch thương mại quốc tế

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những chiêu trò lừa đảo ngày càng leo thang – đến từ kể cả các nước phát triển…

Trong hoạt động thương mại quốc tế (TMQT), tình trạng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản (hàng, tiền) của các đối tác khá phổ biến. Theo thời gian, các hoạt động này diễn ra ngày càng tinh vi, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của cơ quan chức năng mỗi quốc gia và sự cẩn trọng của các doanh nghiệp.

Thực trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế

Trước năm 2020, đối tượng gây ra các vụ lừa đảo đối với doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mối nguy này còn đến từ thị trường các nước phát triển như Mỹ, Canada, và Hà Lan.

Riêng trong năm 2020, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York (Mỹ) đã gửi đi thông điệp cảnh báo, cho biết một số doanh nghiệp Việt Nam đã phải chịu thiệt hại sau khi ký kết hợp đồng với đối tác tại Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu là do bị lừa hoặc do đối tác phá sản.

Cũng trong năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp tương tự – doanh nghiệp Việt Nam nhận lời chào hàng, mua, bán, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo.

Một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE được nêu tên bao gồm: Green Light Foodstuff Trading LLC, Climax General Trading LLC, Loyalpur General Trading LLC, Choice Global FZC/Vital Fresh General Trading LLC, International Dragon Food Trading LLC (IDP), v.v..

Cuối năm 2020, vào giữa tháng 12, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cũng đưa ra lưu ý, cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam nếu giao dịch với những công ty mới quen, lấy địa chỉ trên Internet.

Trong bối cảnh dịch bệnh leo thang, thị trường bị tác động mạnh bởi Covid-19. Tình trạng lừa đảo trong giao dịch TMQT theo đó cũng có xu hướng tăng lên và không ít doanh nghiệp Việt Nam trở thành nạn nhân. Điều này càng khó tránh khi các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn và khó bị phát hiện.

Các doanh nghiệp phải hết sức cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trong giao dịch TMQT
Các doanh nghiệp phải hết sức cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trong giao dịch TMQT (Nguồn ảnh: Purshology)

Một số thủ đoạn lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế

Theo Bộ Công Thương, các thủ đoạn lừa đảo trong vài năm trở lại đây đã trở nên đa dạng hơn, tinh vi hơn. Ví dụ:

  • Giao hàng không trả tiền, làm giả giấy tờ – thậm chí là giấy tờ ngân hàng – để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu.
  • Thuê hacker xâm nhập địa chỉ email của hai bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán, sau đó thiết lập email giả mạo gửi thông tin, lừa bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo.
  • Lợi dụng sự bất cẩn và thiếu chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam – ví dụ không yêu cầu giám định hàng trước khi giao, không thẩm định các thông tin về doanh nghiệp đối tác, không cử người của Việt Nam sang để làm việc – để chuyển hàng vô giá trị, sai hợp đồng; hoặc thông báo hàng hỏng, kém chất lượng để ép giá, đòi bồi thường, v.v..

Bộ Công Thương đưa ra lưu ý với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước:

  • Cần cảnh giác trước các đối tác mới quen biết; nên thẩm định thông tin của doanh nghiệp đối tác – giấy phép kinh doanh, ID chủ doanh nghiệp. Thường xuyên kết nối với đại diện Việt Nam và thông qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu để xác thực thông tin của đối tác
  • Hạn chế dùng các dịch vụ trao đổi online miễn phí, thay vào đó hãy sử dụng email hay fax chính thức. 
  • Chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luận về TMQT. Lưu ý tìm hiểu các nguyên tắc và thông lệ để nắm rõ vai trò của hai bên. Qua đó, lựa chọn các phương thức thanh toán và điều kiện thanh toán hợp lý.
  • Nên sử dụng các dịch vụ của ngân hàng – nhằm tăng khả năng thu hồi công nợ, đồng thời ngân hàng cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu. Từ đó, hạn chế tối đa rủi ro trong giao dịch và thanh toán.

Nguồn tổng hợp: Bộ Công Thương cảnh báo lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế

Popular Posts

Back To Top