Do nhu cầu sử dụng tăng cao, giá lúa mì thế giới đang tăng mạnh trong các phiên giao dịch. Dự báo giá vẫn sẽ tiếp tục tăng trong trung hạn…
- Thời tiết bất lợi đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng lúa mì vụ Đông ở Hoa kỳ
- Mặt hàng lúa mì chịu mức áp thuế suất cao kỷ lục từ Cộng hòa Liên bang Nga
Tâm điểm của thị trường nông sản thế giới hiện nay là lúa mì khi giá mặt hàng này trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã vượt ngưỡng 8 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì) chỉ sau hai phiên giao dịch đầu tuần. Trên thị trường giao ngay, giá lúa mì tại Biển Đen và Azov (Nga) – hai nơi xuất khẩu lúa mì chính của toàn cầu hiện đã tăng vọt thêm 10 USD lên 291 USD/tấn.
Nhu cầu sử dụng lúa mì trên toàn cầu hiện vẫn đang ở mức cao đang là động lực chính dẫn dắt xu hướng tăng giá lúa mì trong trung và dài hạn. Trong khi đó, thị trường đang chứng kiến sự chênh lệch đáng kể giữa dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Bộ Nông nghiệp Nga về sản lượng lúa mì niên vụ 2021/2022 của Nga.
Theo Báo cáo Triển vọng cung cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 10 của USDA, sản lượng lúa mì của Nga trong niên vụ 2021/2022 ước đạt 72,5 triệu tấn. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Nga cho biết, tính đến tuần kết thúc vào ngày 2/11, nước này đã thu hoạch xong 97% diện tích canh tác với sản lượng đạt 78 triệu tấn. Dự kiến USDA có thể điều chỉnh lại dự báo trong báo cáo WASDE tới đây.
Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đang áp mức thuế suất cao kỷ lục lên tới 67 USD/tấn trong tuần từ ngày 27/10 – 09/11/2021; và mức thuế suất này sẽ lên đến 69,9 USD/tấn trong tuần kế tiếp. Trước đó, Nga đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế xuất khẩu lúa mì để đảm bảo nguồn cung trong nước, đồng thời giảm nhiệt mức giá cao trên thị trường nội địa.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp Nga cho thấy lượng lúa mì xuất khẩu của nước này tính đến tuần kết thúc vào ngày 28/10 chỉ đạt 0,6 triệu tấn, giảm 45% so với một tuần trước đó. Tính từ đầu niên vụ 2021/2022 đến nay, lượng xuất khẩu lúa mì của Nga chỉ đạt 15,3 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Bên cạnh đó, tình hình đại dịch Covid-19 tại Nga đang diễn ra phức tạp khi nước này ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất thế giới. Nga đã buộc phải áp dụng một số biện pháp phong toả chặt chẽ tại nhiều khu vực; điều này có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu lúa mì.
Đối với Hoa Kỳ, diễn biến thời tiết bất lợi đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng lúa mì vụ Đông. USDA cảnh báo, tính đến tuần kết thúc vào ngày 26/10, có đến 43% sản lượng lúa mì vụ Đông của Hoa Kỳ sẽ chịu tác động xấu từ tình trạng khô hạn. Đồng thời, chỉ có 45% diện tích canh tác lúa mì vụ Đông được đánh giá đạt chất lượng từ tốt đến tuyệt vời; thấp hơn đáng kể mức kỳ vọng của thị trường.
Điều này có thể là chỉ báo sớm cho thấy lượng tồn kho lúa mì của Hoa Kỳ sẽ còn ở mức thấp trong thời gian tới. Tồn kho ngũ cốc đầu niên vụ 2021/2022 của Hoa Kỳ đạt 1,78 tỷ giạ – mức thấp nhất kể từ niên vụ 2007/2008. Tốc độ xuất khẩu lúa mì của Hoa Kỳ hiện cũng tương đối chậm và ở mức thấp so với cùng kỳ niên vụ trước.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: