Diễn biến căng thẳng của chiến tranh Nga – Ukraine đang gây ra những ảnh hưởng nhất định tới những DN có đơn hàng xuất khẩu sang nước này.
Chi phí tăng cao
Chia sẻ về kết quả xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, toàn ngành dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được gần 8,2 tỷ USD, tăng 59% so với 2 tháng đầu năm 2021. Kết quả này được đánh giá là sự bứt phá về tăng trưởng của ngành dệt may. Dự kiến trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt 12,7-12,8 tỷ USD.
Cùng với kết quả tích cực về xuất khẩu của toàn ngành, nhiều DN dệt may cũng đã công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng rất khả quan trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2022 với doanh thu đạt hơn 11,3 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ sản phẩm may chiếm 77%, vải chiếm 15% và sợi chiếm 7%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cuả TCM chỉ bằng 89% so với tháng 2/2021, đạt 571.762 USD.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu của TCM đạt hơn 28,6 triệu USD, tăng 14%. Tuy nhiên, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao dẫn đến biên lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận sau thuế ở mức 1,69 triệu USD, giảm 2% so với 2 tháng đầu năm 2021.
Doanh thu tháng 2/2022 của Công ty CP Đầu tư Thương mại TNG cũng tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 332 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng, doanh thu đạt xấp xỉ 847 tỷ đồng, tăng 45%. Tuy nhiên, chi phí quản lý DN tăng vọt 73% trong tháng 2 và tăng 96% trong 2 tháng đầu năm khiến. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của TNG đạt 3,4 tỷ đồng trong tháng 2 và 25 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2022, tương ứng mức tăng lần lượt là 13% và 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Tác động từ cuộc chiến Nga – Ukraine
Hiện nay, một số DN dệt may lớn của Việt Nam như May 10, Dệt may Thành Công, Sợi Thế Kỷ… đều đã có đơn hàng đến quý 2 và quý 3. Tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định EVFTA và UKVFTA mang lại, trong năm nay, các DN này cũng sẽ tăng tốc đẩy mạnh tiếp cận thị trường châu Âu.
Theo Vitas, tín hiệu tích cực trong năm 2022 là các thị trường lớn như Mỹ, EU đã mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu bông nguyên liệu được sản xuất tại Tân Cương (Trung Quốc), chiếm 11% tổng lượng hàng dệt may nhập khẩu của Mỹ. Theo đó, kỳ vọng các nhà sản xuất sợi bông của Việt Nam sẽ có thể giành được “miếng bánh” mà các nhà sản xuất Tân Cương để lại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các DN dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như bất lợi về tỷ giá, tình trạng thiếu lao động do dịch bệnh. Trong khi hiện giá nhiên liệu đang tăng kéo theo chi phí vận tải tăng cao và tình trạng thiếu container vẫn là nút thắt lớn chưa được tháo gỡ. Vitas dự báo phải đến nửa cuối năm nay khi số lượng container đóng mới được cung cấp ra thị trường thì vẫn đề vận tải mới bắt đầu được giải quyết.
Các chuyên gia cũng dự đoán giá sợi bông và sản lượng sản xuất sẽ tăng trong 6 tháng đầu năm, nhưng biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất sợi bông có thể sẽ điều chỉnh vào nửa cuối năm. Do đó, ước tính hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc sẽ có biên lợi nhuận gộp giảm so với năm 2021 do chi phí đầu vào cao trong 6 tháng đầu năm.
Đặc biệt, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đang gây ra không ít khó khăn cho những DN xuất khẩu vào các thị trường này. Ông Giang chỉ ra 3 rủi ro chính mà các DN đang phải đối mặt. Thứ nhất, những đơn hàng Việt Nam đã và đang xuất khẩu vào Nga thì phương thức thanh toán bị dừng lại, gây thiệt hại cho DN. Thứ hai, rủi ro cho những đơn hàng đã mua nguyên phụ liệu rồi nhưng phải dừng lại, nên DN phải tìm kiếm khách hàng khác, thị trường khác cho lượng hàng này.
“Điều này không hề dễ do mặt hàng thời trang phụ thuộc vào gu ăn mặc, mỗi thị trường có gu riêng nên việc tìm kiếm người mua hàng mới sẽ cần một quá trình. Điều này sẽ ảnh hưởng tới vấn đề lãi suất ngân hàng do DN phải găm vốn vào đơn hàng đó” – ông Vũ Đức Giang cho biết.
Thứ ba, rủi ro trong trung hạn. Do không thể biết chắc được rằng cuộc chiến này có thể kéo dài bao lâu và sau khi chiến tranh kết thúc thì DN cũng không thể quay trở lại đàm phán trong một sớm một chiều do niềm tin đã bị ảnh hưởng trước đó. “Chúng tôi đánh giá phải đến 2023, thậm chí là 2024 thì các thị trường Nga, Ukraine, Belarus mới có thể trở lại” – ông Vũ Đức Giang nhận định.
Trước những rủi ro như trên, Vitas đã đưa ra khuyến nghị với các DN báo với Vitas về các hợp đồng đã xuất khẩu sang các thị trường này nhưng chưa được thanh toán để Vitas báo cáo với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý chuyên ngành tìm giải pháp về dòng tiền tài chính. Với những đơn hàng đang trên tàu vận chuyển đến các thị trường này, cần dừng lại ngay khi đến các cảng quá cảnh như Singapore hay Hồng Kông để quay ngược về tìm cách tiêu thụ tại thị trường khác. Về phần nguyên phụ liệu đã mua và những mẫu mã đã được phê duyệt, DN cần chuyển ngay sang thị trường khác, kể cả thị trường Việt Nam cũng có thể là phương án thay thế, do nhiều sản phẩm của thị trường Nga rất phù hợp với VIệt Nam.
Ông Vũ Đức Giang cho biết, qua nắm bắt thông tin từ các DN, các DN đều đã có giải pháp thay thế về thị trường, chuyển các sản phẩm của thị trường Nga sang bán cho Trung Đông… Theo đó, ước mức thiệt hại do chiến tranh Nga – Ukraine tại các thị trường này chỉ ở mức khoảng 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đi toàn cầu.
Theo Haiquanonline
Bài đọc thêm: