Hai tác nhân gây bệnh (1) hoại tử gan và (2) đốm trắng mỗi năm hiện gây thiệt hại cho ngành tôm hơn 3 tỷ USD, nhưng nay đã có trà xanh…
Nghiên cứu đột phá từ cây trà xanh (Camellia sinensis) cho thấy, chiết xuất của nó có chứa các chất dinh dưỡng thực vật khả dụng sinh học, đã được các nhà khoa học chứng minh là có thể bảo vệ tôm nuôi khỏi sự bùng phát của hai căn bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và hội chứng bệnh đốm trắng do virus (WSSV).
Đây vốn là hai căn bệnh phổ biến đang tàn phá nặng nề nhất cho ngành nuôi tôm toàn cầu.
Các thử nghiệm mới đây tại cơ sở Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản của Đại học Arizona (Mỹ), do hai tiến sĩ Arun K Dhar và Paul Schofield chủ trì, đã chứng minh chiết xuất catechin sinh học lấy được từ cây trà xanh có khả năng tiêu diệt các gốc tự do nguy hiểm – mang lại hiệu quả dự phòng bảo vệ tôm nuôi thương mại.
Người đầu tiên phát hiện ra tính chất kháng bệnh của chiết xuất trà xanh là tiến sĩ Roger Duffield, thuộc hãng Theales Corporation Limited, người đã dành hơn 10 năm để điều tra tác dụng phòng chống bệnh của các hợp chất này trên người và động vật.
Gần đây nhất, ông đã tiến hành thử nghiệm đưa chiết xuất một cách liều lượng cho một loạt các loài thủy sản nuôi trồng, bao gồm cả tôm thẻ chân trắng. Trước khi thử nghiệm, ông đã tạo ra một lớp phủ polyme dược phẩm cải tiến để ngăn chặn sự phân hủy nhanh chóng của chất catechin trong chất lỏng – đây là một trong những hạn chế lớn nhất đối với hiệu quả của chúng, như một loại thuốc dự phòng chống lại một loạt các mầm bệnh.
Trong quá trình thử nghiệm, chiết xuất catechin phủ polyme được trộn vào thức ăn cho tôm, trước khi tôm bị thử thách với một trong hai mầm bệnh.
Theo đó, trong hai thử nghiệm với bệnh AHPND, trung bình 60% số tôm được cho ăn 0,28 g thức ăn có chứa catechin trên 1 kg thức ăn, so với 5% của lô tôm đối chứng, được cho ăn thức ăn thương mại thông thường. Trong thử nghiệm đầu tiên, có 30% số tôm sống sót, trong khi thử nghiệm AHPND thứ hai, số tôm sống sót lên đến 90%.
Trong khi đó, trong thử nghiệm thách thức với bệnh WSSV, mặc dù tất cả số tôm bị nhiễm bệnh đều chết, những con được cho ăn chế độ ăn đối chứng đều chết ngay ở cuối ngày đầu tiên, trong khi những con được cho ăn chế độ ăn có chứa catechin phủ polyme sống đến tám ngày sau khi dính nhiễm virus.
Theo tiến sĩ Duffield, những kết quả ấn tượng này có thể sẽ còn được cải thiện sau một số nghiên cứu tinh chỉnh, đặc biệt là bằng cách giảm kích thước của các hạt polyme, để cho tôm có thể dễ dàng hấp thụ hơn. “Kích thước hạt 250 mg được sử dụng trong những thử nghiệm này là quá lớn, vì vậy chúng tôi cần giảm chúng xuống 200 mg hoặc nhỏ hơn. Ngoài ra còn có thể tăng nồng độ của các hoạt chất catechin để nâng cao hiệu quả”, theo ông Duffield.
“Trong nghiên cứu sâu hơn, liều lượng catechin sẽ là 0,40 gam chiết chất catechin cho mỗi kg thức ăn cho tôm (tức là tỷ lệ 0,2 phần trăm). Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được kết quả phòng ngừa cao hơn đối với bệnh AHPND và ít nhất 50% đối với bệnh đốm trắng (WSSV) thông qua kích thước hạt nhỏ hơn và catechin mới được phủ polymer”, tiến sĩ Duffield lưu ý.
Các nhà khoa học hy vọng, dựa trên các bằng chứng khoa học sẽ sớm đạt được sự chấp nhận thương mại đối với phương pháp phòng chống các bệnh trên tôm, thông qua việc cải thiện kích cỡ hạt của thuốc dự phòng sẽ giúp ngành tôm đạt hiệu quả cao hơn.
Trước đó, các lợi ích sức khỏe trong phòng ngừa bệnh tật của chiết xuất catechin trong trà xanh cũng đã được ghi nhận rộng rãi về khả năng tiêu diệt các gốc tự do nguy hiểm trong tế bào người và động vật. Tuy nhiên, theo các tài liệu đã xuất bản, tác động của chúng giảm đi rất nhiều do sự phân hủy và chuyển hóa nhanh chóng sau khi chúng được uống qua đường miệng.
Tuy nhiên, nhờ các kỹ thuật phủ polymer sáng tạo, thời hạn hữu dụng của chiết xuất catechin có thể được kéo dài thêm vài năm và cũng có tác dụng dự phòng được cải thiện trên một loạt giống loài, bao gồm cả con người.
Theo Báo NNVN
Bài đọc thêm:
- Rừng ngập mặn Cà Mau có 19.000ha tôm rừng đạt chuẩn quốc tế
- Xuất khẩu tôm của Việt Nam tháng 6 giảm tốc tại các thị trường lớn
- Thông điệp: Nuôi tôm không kháng sinh từ tập đoàn Việt Úc
- Nghị quyết về thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM từ mùng 1/8
- Nuôi dê bằng thuốc nam tại trang trại DTH farm ở thủ đô Hà Nội
- Agenda hội nghị FIATA World Congress 2022 tại Busan, Hàn Quốc