Chile là thị trường mở với mức thuế nhập khẩu trung bình 2% – mức trung bình thấp của thế giới, lại là cửa ngõ xuất khẩu sang nhiều nước…
Nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Chile, ngày 23/9, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile và Phòng Thương mại Chile tại Việt Nam tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến “Xúc tiến thương mại và hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam – Chile”. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 50 doanh nghiệp sản xuất của hai nước Việt Nam – Chile.
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ, mặc dù chịu sự tác động của đại dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo có sự tăng trưởng lạc quan trong năm 2021. Theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức 3,8% trong năm 2021. Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nếu đại dịch được kiểm soát vào cuối năm nay và đến Quý II/2022 khi có 70% dân số cả nước được tiêm chủng. Với giả định này, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mức 6,5% vào năm 2022.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp để khôi phục lại nền kinh tế như việc loại bỏ các rào cản về thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số; tạo tối đa các điều kiện giúp doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới kinh doanh toàn cầu…
Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài chia sẻ, Việt Nam có thế mạnh trong việc xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, nông sản, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa như máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng, nguyên vật liệu cho ngành dệt may…
Thương mại giữa Việt Nam – Chile trong những năm qua ngày càng khởi sắc nhờ đòn bẩy từ các Hiệp định thương mại tự do mà cả hai nước cùng tham gia, điển hình như FTA Việt Nam – Chile, Hiệp định CPTPP…
8 tháng đầu năm, chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng trao đổi kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước đạt 1,27 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Chile tăng trưởng 44%, nhập khẩu tăng 15% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Chile gồm điện thoại, linh kiện , máy móc, thiết bị, giày dép, hàng dệt may… nhập khẩu từ Chile hàng thủy sản, hoa quả và nguyên phụ liệu sản xuất…
Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài kỳ vọng, thông qua Hội nghị giao thương này, doanh nghiệp hai nước có thêm cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cơ hội, khả năng cung ứng, tiêu thụ đa dạng các mặt hàng của nhau, tiến tới hợp tác kinh doanh lâu bền.
Giới thiệu rõ hơn về thị trường Chile, ông Phạm Trường Giang – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chile cho biết, kể từ khi FTA Việt Nam – Chile có hiệu lực (năm 2014), trao đổi thương mại của hai nước tăng trưởng nhanh chóng. Nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất đã có mặt tại thị trường Chile, mới đây nhất, quả bưởi Việt Nam đã được xuất khẩu thành công sang thị trường này.
Ông Phạm Trường Giang khẳng định, FTA Việt nam – Chile phát huy tác dụng rất tốt trong việc mở cửa thị trường giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, giá cả phù hợp như bột giấy, bột cá và nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất lượng cao của Chile như cá hồi, rượu vang… đã có mặt tại thị trường Việt Nam.
Nhận định về cơ hội hợp tác đầu tư trong thời gian tới, ông Phạm Trường Giang cho rằng, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển khi hai bên có nhiều điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác, đặc biệt khi có những FTA làm bản lề.
Ông Phạm Trường Giang khuyến cáo, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang Chile các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, xơ sợi các loại, túi tự phân hủy sinh học, dây thừng cho nuôi trồng cá hồi… Phía Chile tăng cường xuất khẩu gỗ xẻ, bột giấy cho Việt Nam.
“Thị trường Chile rất có tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam do đây là thị trường mở, thuế nhập khẩu trung bình xếp vào loại trung bình thấp của thế giới, dưới 2%. Đáng chú ý, thông qua thị trường Chile, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Nam Mỹ. Đây là cơ hội rất lớn”, ông Phạm Trường Giang chia sẻ.
Tuy nhiên, để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chile khuyến cáo, các sản phẩm xuất sang thị trường Chile phải ghi xuất xứ, nhãn mác trên bao bì. Thông số trên mỗi sản phẩm đóng gói phải thể hiện rõ chất lượng vệ sinh, sự pha trộn nguyên liệu, giá trị dinh dưỡng, tỷ lệ thành phần cấu thành… và phải được in bằng tiếng Tây Ban Nha.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu phải thực hiện quy trình ghi nhãn mới hàng hóa tới Chile, hoặc các nhà xuất khẩu phải dán thêm nhãn Tây Ban Nha lên hàng hóa trước khi xuất khẩu,
“Giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha là một thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta nên tìm hiểu kỹ văn hóa con người, văn hóa kinh doanh… của người dân, doanh nghiệp Chile để khai thác tối đa những cơ hội hợp tác, đầu tư”, ông Phạm Trường Giang khuyến cáo.
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/9. Ngay sau phần Hội nghị, doanh nghiệp hai nước sẽ bước vào các phiên giao thương trực tuyến. Tại đây, các doanh nghiệp đã trao đổi, tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như: y tế, gỗ và các sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử…
Theo Tạp Chí Công Thương
Bài đọc thêm: