Chọn phân bón nào cho chính vụ khi giá thanh long chạm đáy

Bình Thuận là địa phương trồng thanh long lớn nhất cả nước. Và có lẽ, đây cũng là nơi có nhiều vườn thanh long bị phá bỏ nhất hiện nay…

Giá thanh long chạm đáy suốt thời gian dài khiến một bộ phận nhà vườn rơi vào tình cảnh “khánh kiệt”. Nhiều vụ, bà con phải xót xa tự tay lặt bỏ trái chín trên cây vì giá bán không bù được chi phí đầu tư phân thuốc và công hái.

Trong khi rất nhiều người chọn cách bán vườn, rời bỏ cây thanh long thì ông Nguyễn Tánh, nông dân ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cùng nhiều bà con nơi đây lại chọn cách bám vườn. Thừa nhận “nhát” đầu tư phân thuốc cho vườn thanh long trong lúc này vì nếu đầu tư sẽ cầm chắc lỗ, ông Tánh chọn cách quay về với lối canh tác theo hướng hữu cơ để cầm cự, chờ giá thanh long phục hồi. Và những ngày qua, giá thanh long nhích tăng ngay trong vụ thuận đã phần nào củng cố thêm niềm tin giúp ông mạnh dạn “chi’’ lấy trái mùa này.

Theo các nhà khoa học, ngay lúc này, khi giá thanh long nhích tăng, nhưng tình trạng “trồi sụt” vẫn khó lường. Trong khi, giá phân bón và nhiều vật tư đầu vào vẫn ở mức cao. Vì vậy, trong canh tác, nhất là chính vụ này, nhà vườn cần tận dụng các điều kiện thuận lợi của tự nhiên để tiết giảm chi phí đầu tư.

Để tiết giảm chi phí, nhà vườn nên áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ như tỉa cành để giảm nhu cầu dinh dưỡng của cây. Cụ thể, cần tỉa bỏ các cành già, cành khuất bên trong tán bằng cách cắt ngang cành và cách đáy cành 20 – 30cm nhằm làm giá đỡ cho cây. Cành vừa cho trái vụ trước, cành trẻ nằm bên ngoài tán nên để lại nuôi chồi mới (chỉ để lại một chồi).

Khi cành dài 1,2 – 1,5m thì cắt đọt cành con tạo điều kiện cho cành mập và nhanh cho trái. Việc tỉa bỏ những cành già, cành khuất bên trong tán sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cây như giảm mất dinh dưỡng đường bột, giảm lượng phân bón, giảm lượng nước tưới, và giảm sâu bệnh.

Về dinh dưỡng, các nhà khoa học khuyến cáo, dù là chính vụ, điều kiện khí hậu thuận lợi, cây ra hoa tự nhiên nhưng nhà vườn không nên vì thế mà cắt giảm hoàn toàn phân khoáng vì sẽ ảnh hưởng khiến cây thanh long suy yếu và không đủ sức để khai thác trái ở các vụ sau. Tốt nhất nên chọn chế độ bón phân cân đối theo quy tắc “4 đúng”, tức là đúng lúc, đúng loại phân, đúng liều lượng, và đúng cách. Để ứng phó với tình hình khó khăn hiện tại, có thể giảm lượng bón.

Cụ thể, sau khi thu hoạch đến trước khi ra hoa, ngoài bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phải bổ sung NPK Đầu Trâu 20-20-15+TE hoặc NPK Đầu Trâu 20-15-5+TE chứa thành phần đạm cao, kali, lân vừa phải sẽ giúp cho cây mau hồi phục, phân hóa mầm hoa sớm, hoa to. Nên chia làm 4 lần bón, với lượng bón tối thiểu 0,2 – 0,3kg/trụ/lần bón.

Theo Báo NNVN

Bài đọc thêm:

  1. Sầu riêng chậm bước xuất khẩu vì chưa cấp mã số vùng trồng
  2. Cảnh báo lá mướp đắng và nông sản vượt dư lượng và chất cấm
  3. Sơn La: Tập trung đầu tư thiết bị chế biến sản phẩm từ hoa quả

Popular Posts

Back To Top