Chuyển đổi số: “Chìa khoá” xuất khẩu nông sản bền vững

  • Trọng Nguyên
  • 19, Tháng hai, 2022

Ứng dụng công nghệ số để kết nối cung-cầu, trong sản xuất, thương mại nông sản là giải pháp quan trọng giải quyết vấn đề “được mùa mất giá”.

Những năm qua, ngành nông nghiệp nói chung và nhiều địa phương đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp, quản trị nông thôn. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngày càng nhiều đơn vị tiếp cận và sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… Một số DN lớn đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, nhìn ở bình diện chung về chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng: “Chuyển đổi số đối với nông nghiệp đang khá chậm. Một nền sản xuất nông nghiệp hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng nhưng nhược điểm cố hữu quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Để thực hiện được chuyển đổi số cần có giải pháp cụ thể chứ không thể là một phong trào”.

Một số chuyên gia nông nghiệp đánh giá, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số; thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu.

Ví dụ điển hình có thể thấy như cuối năm 2021, ngành nông nghiệp đối mặt với đợt ùn tắc nông sản XK sang Trung Quốc lớn nhất từ trước đến nay. Ngay trong những ngày gần đây, ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu XK sang Trung Quốc, điển hình là ùn tắc tại các cửa khẩu Lạng Sơn lại “nóng” lên sau khi được giải toả phần nào vào dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trả lời cho câu hỏi vai trò của chuyển đổi số nằm ở đâu để chấm dứt câu chuyện hàng nông sản ùn tắc tại cửa khẩu XK sang Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thừa nhận đây là vấn đề khó. “Hiện, Cục đang xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối cung-cầu. Ngay từ lúc đỉnh điểm của dịch bệnh, tháng 7/2021, Cục đã phối hợp với các chuyên gia hoàn thành xong hệ thống đường dẫn, cho phép khai thác về dữ liệu về sản xuất, cung ứng nông sản tới cấp huyện. Cơ sở dữ liệu là điều gai góc nhất. Muốn phát triển thị trường thì cần thống kê nguồn cung một cách chuẩn xác”, ông Toản nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ: thực tế mong muốn là ứng dụng công nghệ số để kết nối cung-cầu. Theo đó, cần phải có số liệu cụ thể một năm thu hoạch mỗi loại nông sản bao nhiêu, trong đó có con số cụ thể từng tháng; từ đó, tính toán xe, đem đi tiêu thụ ở thị trường nào, bao nhiêu sản lượng đưa vào chế biến sâu, bao nhiêu XK, bao nhiêu tiêu thụ ở thị trường nội địa. “Nếu thống kê cung – cầu mà chỉ có dự báo tổng hợp về nguồn cung, không biết bao nhiêu sẽ chế biến sâu, XK, tiêu thụ nội địa, phân ra từng thị trường thì không giải quyết được vấn đề. Đây là kết nối cung – cầu để tính toán phương án rải vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, lập kế hoạch tiêu thụ. Làm được điều này thì mới giảm được tình trạng “được mùa mất giá”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

ập trung chuyển đổi số trồng trọt, chăn nuôi

Hàng năm, Việt Nam XK khoảng 42 – 43 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên như lúa gạo, tôm, cá tra, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sắn, đồ gỗ… Đáng chú ý năm 2021, bất chấp khó khăn từ dịch Covid-19, toàn ngành còn thu về trị giá XK ấn tượng là 48,6 tỷ USD. Đây là một số liệu, dữ liệu khổng lồ, đòi hỏi cần sớm được số hóa hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ, từ cách hình thức ghi chép, thống kê khác nhau thành một kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.

Nhìn nhận chuyển đổi số là cơ hội, bài toán hiện thực hoá mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản với chất lượng, chi phí tốt nhất mà sản phẩm bán được giá cao nhất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm: hiện, XK nông sản của Việt Nam đang đứng thứ 15 thế giới và đứng thứ 2 khu vực. “Chúng ta còn tiềm năng vươn lên, nếu xây dựng được Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhận định.

Năm 2022, Bộ NN&PTNT đã chọn 2 lĩnh vực đột phá là trồng trọt và chăn nuôi để đẩy mạnh chuyển đổi số. Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số,…

Trước mắt, Bộ NN&PTNT ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; ban hành hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng; số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến (online); xây dựng cơ sở dữ liệu về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; xây dựng và phổ biến từ 2 đến 3 mô hình mẫu về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng, chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp.

Bộ NN&PTNT cũng tạo điều kiện, thúc đẩy các tổ chức, DN, cá nhân đầu tư, tài trợ, tăng cường nghiên cứu các công nghệ số, phát triến các nền tảng số, hoạt động dữ liệu sổ, tạo ra các dịch vụ nội dung số về nông nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ xã hội, phát triển nền kinh tế số; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chương trình khung đào tạo về công nghệ số, chuyển đổi số cho các DN nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Đặng Duy Hiển, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT, đồng thời là Tổ phó Tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết: “Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông triển khai sáng kiến phổ cập kỹ năng số cho người nông dân thông qua các nền tảng số, đào tạo trực tuyến, liên tục phát triển tri thức cho người nông dân”.

Từ góc độ địa phương, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho rằng, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cần sớm có định hướng tổng thể từ Trung ương đến địa phương. Bởi nếu mỗi địa phương thuê một đơn vị tư vấn và sử dụng một phần mềm ứng dụng, nếu sau này các phần mềm ứng dụng được dùng chung toàn quốc được thống nhất thì những phần mềm mà các địa phương triển khai trước có thể lãng phí nguồn lực.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương bày tỏ quan điểm: “Từ cơ quan hoạch định chính sách đến từng người dân, DN, Viện nghiên cứu… cần phải chung tay để thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các dữ liệu là đất đai, khí hậu, vật nuôi, cây trồng… rất quan trọng nhằm tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, rất cần hoàn thiện trong thời gian tới”.

Theo haiquanonline

Bài đọc thêm:

  1. Nguy cơ tái ùn tắc xe chở nông sản lên cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn
  2. Lạng Sơn: Nông sản xuất Trung Quốc lại có dấu hiệu ùn tắc sau Tết
  3. Hơn 300 xe nông sản được xuất khẩu qua Lạng Sơn trong dịp Tết

Popular Posts

Back To Top