Đồng USD tăng giá, đồng CNY và EUR mất giá có thể gây hưởng tới xuất nhập khẩu hàng hóa trong đó có mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam…
Ngày 14/7, đồng yên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm so với đồng đô la Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yên giảm mạnh so với đồng USD là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ nới rộng khi Fed có thể sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất.
Đồng EUR của châu Âu cũng chứng kiến lần đầu tiên trong vòng 20 năm giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD. Một trong những nguyên nhân khiến đồng EUR mất giá là do giá khí đốt tăng mạnh và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung năng lượng từ Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, gây ra lo ngại suy thoái trong khu vực đồng EUR. Trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ để giảm lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại chưa đưa ra các quyết định tương tự.
Khi đồng EUR giảm giá so với USD, dù các DN Việt không bị ảnh hưởng do hầu hết giao dịch xuất nhập khẩu bằng USD, nhưng lợi nhuận của nhà mua hàng giảm nên họ có thể giảm nhu cầu với nhà xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, khi đồng nội tệ yếu đi, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, người tiêu dùng châu Âu sẽ cân nhắc chi tiêu, lựa chọn những mặt hàng thiết yếu có giá hợp túi tiền, điều này làm giảm sức cầu.
Đồng yên rớt giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD. Đã xuất hiện tình trạng nhà NK Nhật Bản đề nghị đàm phán lại giá NK đề bù đắp những thiệt hại cho họ khi đồng yên sụt giá. Hoặc có tình trạng khách hàng đã ký hợp đồng từ trước nhưng xin đàm phán nhận hàng chậm lại. Bị thiệt nhiều khi đồng nội tệ mất giá, các nhà NK của Nhật Bản cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch cũng như nhu cầu nhập hàng trong giai đoạn này.
Còn lo ngại nữa là, khi đồng USD tăng giá cũng có nghĩa chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng theo. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các DN của Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.
Chiếm 14% tổng kim ngạch XK thủy sản Việt Nam, XK thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản trong nửa đầu năm nay đạt trên 800 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ.
Trước áp lực lạm phát, giá thủy sản tại Nhật Bản liên tục tăng trong thời gian qua. Hơn nữa, đồng yên Nhật Bản mất giá, rơi xuống mức thấp nhất trong 24 năm, càng làm cho người dân Nhật phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu, do vậy XK thủy sản sang thị trường này cũng khó có những đột phá đáng kể từ nay đến cuối năm.
Chiếm 12% tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam, XK thủy sản sang thị trường EU trong nửa đầu năm 2022 đạt trên 688 triệu USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi tăng 58% trong quý I, XK thuỷ sản sang EU trong quý II cũng chậm lại, tăng 31% đạt 390 triệu USD.
Cùng với đồng EUR mất giá, EU cũng là thị trường có mức lạm phát cao trong nửa đầu năm nay. Lạm phát kỷ lục 8% trong quý II cho thấy thương mại của EU đang bị khủng hoảng, sau Covid và đặc biệt sau những lệnh trừng phạt thương mại với Nga do xung đột tại Ukraine. Lạm phát phủ bóng đen lên nền kinh tế khu vực Eurozone, tác động giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu. Do vậy, những mặt hàng thuỷ hải sản giá cao sẽ nằm trong danh sách mà người tiêu dùng phải cân nhắc, tính toán.
Trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp XK phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường XK, NK và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình.
Sự sát cánh của Chính phủ, các Bộ ngành, ngân hàng trong việc linh hoạt chỉ đạo, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, điều chỉnh tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý…luôn rất là điều rất cần thiết với DN trong bối cảnh thị trường thế giới diễn biến khó lường hiện tại.
Theo vasep.com.vn
Bài đọc thêm: