Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho thanh long Việt Nam

Bộ Công Thương đang triển khai giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tiếp cận những thị trường mới nhiều tiềm năng.

  • Thanh long xuất khẩu Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
  • Thị trường thanh long vào Australia và New Zealand vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Lâu nay, 98% sản lượng thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên hiện tại, xuất khẩu thanh long sang thị trường này đang gặp nhiều khó khăn do chính sách quản lý dịch bệnh nghiêm ngặt, cùng những yêu cầu ngày càng cao về an toàn vệ sinh thực phẩm từ Trung Quốc.

Chợ trái cây ở TP Bách Sắc, Quảng Tây, gần biên giới Việt Nam, trước dịch bệnh, nơi này nhộn nhịp bởi trái cây Việt Nam nhập sang bằng đường bộ rất nhiều. Vì chính sách quản lý dịch bệnh nghiêm ngặt, nên thanh long cũng như nhiều loại trái cây nhiệt đới ít hẳn.

“Tôi thích nhập trái cây Việt Nam vì ngon và vì đi đường bộ thì quá gần nhưng thời điểm này chưa có nhiều”, chị Trần Tuệ, Chủ vựa trái cây ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, chia sẻ.

Từ tháng 4, thanh long xuất sang giảm mạnh khi Trung Quốc tăng cường các biện phát nghiêm ngặt để chống dịch, dù đã chuyển hướng sang xuất bằng đường biển nhưng rất khó khăn vì chi phí tăng quá cao. Thị trường tỷ dân đòi hỏi ngày càng cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi diện tích trồng thanh long của nước này lên tới gần 35.000 hecta ta với chất lượng ngày càng được cải thiện.

“Chúng ta cần tăng cường quản lý, kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch của nước sở tại; đảm bảo vùng trồng và các cơ sở đóng gói”, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết.

Trong khi đó, xuất khẩu thanh long vào các thị trường Australia và New Zealand liên tục ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Như tại Australia, năm 2021, bất chấp dịch bệnh, vẫn đạt 4,8 triệu USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Từ đầu năm tới nay, hàng chục tấn thanh long Việt Nam đã được nhập khẩu vào thị trường Australia.

Để trái cây Việt Nam đến gần hơn người tiêu dùng Châu Đại Dương, thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Australia và New Zealand, cùng các doanh nghiệp nhập khẩu đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại thiết thực và hiệu quả.

“Để xuất khẩu vào thị trường này, chúng ta cần thực hiện hết sức bài bản, từ giống cho đến chế biến, bảo quản để đáp ứng được tiêu chuẩn của họ”, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, nhận định.

Đại diện Thương vụ Việt Nam cho rằng, để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu nên đầu tư thiết kế riêng cho phân khúc cao cấp, bao bì đóng gói phù hợp, vì vậy rất cần sự liên kết giữa người trồng và nhà nhập khẩu ngay từ khâu trồng, chăm sóc… giúp sản phẩm đạt các quy chuẩn, thuận lợi cho xuất khẩu.

Theo VTC
Bài đọc thêm
  1. Sức hút thanh long Việt Nam tại Trung Quốc chưa bao giờ hạ nhiệt
  2. Xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp vẫn loay hoay?
  3. Xuất khẩu trái cây Việt gia tăng tại nhiều thị trường khó tính

Popular Posts

Back To Top