Đà Nẵng đẩy mạnh giao thương với khu vực Tây Nguyên

Xúc tiến đưa hàng hóa vào chuỗi hệ thống bán lẻ tại thành phố Đà Nẵng thông qua Hội nghị kết nối giao thương năm 2022.

Ngày 29/3, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên năm 2022.

Các sản phẩm chủ yếu là thế mạnh của các địa phương gồm sâm Ngọc Linh, yến sào, trái cây đạt chứng nhận GloblGap của tỉnh Kon Tum, thực phẩm chế biến; các nông đặc sản của tỉnh Gia Lai gồm có bò một nắng, mật ong, dược liệu, gạo, chè Biển Hồ; tỉnh Đắk Lắk có cà phê, cà chua organic, măng tây, trái cây, tinh bột nghệ các loại các loại. TP. Đà Nẵng cũng có những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.Chương trình trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng của gần 80 doanh nghiệp sản xuất và đại diện các đơn vị phân phối của TP. Đà Nẵng và 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Tham gia chương trình kết nối giao thương, ông Bùi Xuân Diện – đại diện cơ sở sản xuất Huệ Tâm Măng Đen (Kon Tum) mang đến nhiều sản phẩm hữu cơ, sản phẩm organic mà đơn vị phát triển, thử nghiệm như cà chua bi, bí đỏ (công nghệ Nhật), dưa leo, dâu tây…Với hình thức kết nối trực tiếp, các đơn vị sản xuất đã giới thiệu được sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu đến với các nhà phân phối, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Lần đầu đưa sản phẩm đến giới thiệu, chúng tôi đã kết nối được với 3 nhà phân phối tại TP. Đà Nẵng. Chúng tôi kỳ vọng đây là bước đệm để có thể đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối, để sản phẩm của HTX đến với người tiêu dùng Đà Nẵng”, ông Diện bày tỏ.

Bà Trần Thị Anh Đào – đại diện HTX Thảo Nguyên (Gia Lai) cho biết, chương trình kết nối giao thương rất hiệu quả. HTX Thảo Nguyên đã kết nối được với 3 nhà phân phối tiềm năng, trong đó có nhà phân phối lớn như Big C (Go) Đà Nẵng. Nếu kết nối được với siêu thị, cửa hàng thì sản phẩm của chúng tôi sẽ đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn”, bà Đào chia sẻ.

Mặc dù có sản phẩm cà chua organic đã vào hệ thống chuỗi nhiều siêu thị lớn tại TP. Hồ Chí Minh như Big C (Go), Lotte Mart, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thái Thanh – đại diện Công ty CP Ban mê Green Farm (Đắk Lắk) vẫn mang sản phẩm đến kết nối giao thương và đã kết nối được với nhiều nhà phân phối tại Đà Nẵng.

“Đà Nẵng là thành phố du lịch, đông dân. Sắp tới với việc mở cửa du lịch thì các sản phẩm của chúng tôi rất phù hợp. Cùng với đó chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch cũng lấy hàng của chúng tôi rất nhiều”, bà Thanh cho hay.Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, Hội nghị giao thương là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch của TP. Đà Nẵng về phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời tuyên truyền, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

“Đây là một trong chuỗi các sự kiện, hoạt động có tính liên kết vùng, phù hợp với chủ trương kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của TP. Đà Nẵng, là hoạt động kết nối giao thương trực tiếp đầu tiên của 4 tỉnh, thành phố sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh”, bà Phương nói và cho biết thêm, trong thời gian tới, 4 tỉnh, thành sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp duy trì và phát triển hơn nữa các mối quan hệ hợp tác, liên kết trong hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường.

Theo ông Binh, Đà Nẵng là một trung tâm kinh tế tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Các sản phẩm mà Gia Lai sản xuất ra đáp ứng được các thị trường đặc biệt là thị trường Đà Nẵng. Mặc dù các doanh nghiệp tại Gia Lai không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, chuẩn hóa sản xuất, tuy nhiên quy mô sản xuất của doanh nghiệp tỉnh còn khá nhỏ.Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho rằng, kết nối giao thương là vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là sau dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

“Điều này không phải do năng lực sản xuất mà là do thiếu thị trường. Để có thể nâng cao năng lực sản xuất, thì cần phải có thị trường bền vững. Vì vậy, Đà Nẵng là thị trường chúng tôi đặt kỳ vọng lớn thông qua hội nghị kết nối giao thương, các nhà sản xuất sẽ tiếp cận được các nhà tiêu thụ. Và chính việc tiêu thụ sẽ kích nhu cầu, thay đổi tập quán sản xuất và đưa được các sản phẩm đến người tiêu dùng”, ông Binh nói.

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, tỉnh có hơn 20 chủng loại sản phẩm tham gia hội nghị giao thương, “chúng tôi mong muốn tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm chế biến của Đắk Lắk ở các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng; kết nối được các đầu mối, kênh phân phối để tăng tiêu thụ các sản phẩm địa phương”.

Ông Dương chia sẻ thêm: “Qua chương trình kết nối trực tiếp lần này các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã của Đắk Lắk đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực của các đơn vị phân phối gồm các siêu thị, các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini… tại TP. Đà Nẵng quan tâm đến các sản phẩm”.

Theo Báo Công Thương

Bài đọc thêm:

  1. Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP của Quảng Trị tại Đà Nẵng
  2. Đà Nẵng: Tăng cường kiểm soát thị trường vào dịp cuối năm
  3. Đà Nẵng phát động Tuần lễ khuyến mại kích cầu mua sắm 2021

 

Popular Posts

Back To Top