Đắk Nông là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp, trong những năm gần đây đã chú trọng thực hiện quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn
- Nhiều cơ sở sản xuất được chứng nhận sản xuất theo quy trình đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế
- Nông sản trên địa bàn tỉnh tiêu thụ chủ yếu qua kênh truyền thống, ít đưa vào kênh phân phối hiện đại
- Định hướng cụ thể để đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh vào hệ thống siêu thị trong nước
Trong đó, có khoảng 169 cơ sở sản xuất được chứng nhận sản xuất theo các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt(GAP) hoặc tương đương và chứng nhận sản phẩm OCOP với tổng diện tích khoảng 25.333,10 ha (chứng nhận VietGAP: 2.071,59 ha/73 cơ sở sản xuất; chứng nhận GlobalGAP: 10 ha/01 cơ sở sản xuất (trồng măng cụt); chứng nhận hữu cơ: 454,5 ha/16 cơ sở sản xuất; chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest Alliance, …: 22.797,01 ha/79 cơ sở sản xuất).
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 365 tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trong đó, có 70 cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản, 08 cơ sở chế biến nông sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP.
Trong đó, 23 chuỗi liên kết được cấp chứng nhận thực hành sản xuất tốt trong nước và quốc tế với sự tham gia liên kết của 13 doanh nghiệp và 10 hợp tác xã, tổ hợp tác (trong đó có 08 chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh theo mô hình chuỗi giá trị, 15 loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể).
Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh tiêu thụ chủ yếu thông qua các kênh truyền thống như: Chợ, thương lái…, chưa có nhiều sản phẩm đưa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại.
Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng của tỉnh vào tiêu thụ tại các Siêu thị trong nước, để đạt mục tiêu trên, tỉnh Đắk Nông tập trung thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao; Tổ chức liên kết sản xuất giữa các cơ sở sản xuất nông sản, thực hiện sản xuất đảm bảo theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Liên kết với nhà phân phối để tổ chức sản xuất sản phẩm đảm bảo theo các yêu cầu, điều kiện về chất lượng và số lượng đầu ra sản phẩm. Tăng cường hoạt động khuyến nông để hỗ trợ, định hướng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp trong quá trình sản xuất sản phẩm.
Ngoài ra, Đắk Nông cũng Khuyến khích, kêu gọi, hỗ trợ đầu tư công nghệ chế biến sâu đối với những sản phẩm có thời vụ thu hoạch, bảo quản ngắn, áp lực sản lượng lớn. Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản đăng ký thương hiệu, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm và các hồ sơ chất lượng cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương giữa các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao của tỉnh với các siêu thị, các đơn vị bán lẻ hiện đại trên toàn quốc; Cung cấp thông tin về các điều kiện, quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của siêu thị đối với nông sản phẩm khi đưa vào tiêu thụ trong siêu thị. Hướng dẫn các trình tự, thủ tục để đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.
Địa phương cũng hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Tăng cường quản lý quy trình sản xuất nông sản, khuyến khích các cơ sở sản xuất hàng hóa tập trung áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn thực phẩm, tiến tới sản xuất sản phẩm hữu cơ, đảm bảo nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng đủ tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu.
Đồng thời, Đắk Nông cũng đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động thu mua nông sản của thương nhân, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định, tranh mua, tranh bán, ép giá làm bất ổn thị trường, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi của các hộ nông dân.
Tỉnh Đắk Nông cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, nhập lậu, không trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tại Việt Nam.
Với những định hướng cụ thể, kỳ vọng trong thời gian tới các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh trên trên địa bàn tỉnh sẽ vào hệ thống Siêu thị trong nước, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: