Đất nông nghiệp ở Ukraine hết màu mỡ sau chiến tranh với Nga

Thiệt hại vật lý và hóa học đối với đất đai Ukraine do chiến tranh có thể kéo dài nhiều năm, gây sụt giảm cho vựa lương thực của thế giới…

Bất chấp tình trạng chiến tranh, nông dân Ukraine đến nay vẫn xuống giống được gần 80% diện tích vụ xuân, với khoảng 14 triệu ha. Tuy nhiên, diễn biến của khủng hoảng kéo dài đã làm dấy lên lo ngại rằng, không chỉ sản lượng nông nghiệp của Ukraine bị giảm sút mà còn gây ra hệ lụy lâu dài do chiến tranh phá hủy đất nông nghiệp.

Ukraine nổi tiếng là quê hương của một số loại đất đai màu mỡ nhất hành tinh, khiến nước này trở thành quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, bao gồm các loại cây lương thực quan trọng như lúa mì và ngô, cũng như các loại dầu hạt như dầu hướng dương.

Với cuộc chiến đã bước sang tháng thứ tư, Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) ước tính, ít nhất 20% cây trồng của Ukraine mới xuống giống sẽ không được thu hoạch hoặc bỏ trống. Trong đó việc thu hoạch lúa mì vụ đông trong mùa hè này có thể bị giảm khoảng một nửa (thiệt hại khoảng 2 triệu ha) và diện tích hướng dương cũng bị mất một phần ba.

Tuy nhiên điều nguy hiểm là chiến tranh có thể làm suy thoái và ô nhiễm đất trong nhiều năm, khiến năng suất cây trồng và nông dân có thể bị ảnh hưởng rất lâu sau khi cuộc chiến này kết thúc.

Nhà khoa học đất Asmeret Asefaw Berhe thuộc Đại học California, Merced cho biết: “Theo nhiều cách, phúc lợi của hệ thống đất ở các quốc gia thời hậu chiến thực sự gắn liền với phúc lợi của người dân. Và theo nhiều cách, nó cũng sẽ quyết định tương lai lâu dài của họ”.

Siêu đất hay còn được gọi là chernozem hay “đất đen” bao phủ gần 2/3 diện tích đất nông nghiệp ở Ukraine, là loại đất có độ phì nhiêu cao, giàu chất hữu cơ. Trong 10.000 năm qua, nó tích tụ dọc theo các thảo nguyên Á-Âu, được hình thành như một lớp trầm tích màu đen mịn trên bề mặt.

Đất chernozem rất giàu các nguyên tố mà cây trồng cần để phát triển, chẳng hạn như nitơ, kali và canxi. Những chất dinh dưỡng đó đến từ chất hữu cơ và hoàng thổ bên dưới, với độ kết dính vừa phải, giúp rễ cây phát triển tốt.

Ở trạng thái tự nhiên, đất chernozem được nạp sẵn các vitamin và khoáng chất, giống như một loại sinh tố siêu dinh dưỡng nuôi thực vật. Ông Berhe nói: “Cây trồng nào được mọc trên những loại đất này là một điều may mắn vì chúng đang phát triển trong một môi trường có mọi thứ cần để phát triển, dù có hoặc không có phân bón bổ sung”.

Tuy nhiên, theo ông Joseph Hupy, một nhà khoa học khi nghiên cứu các “vết sẹo” chiến trường của đất cho biết, ông và các cộng sự đã chứng kiến sự hỗn loạn hàng thập kỷ bên dưới bề mặt của các cánh đồng từng bị trúng bom.

Bom có ​​thể để lại một số tác động rõ ràng nhất, nhưng chúng không phải là thứ duy nhất có thể làm xáo trộn đất. Khi xe tăng lăn bánh trên những cánh đồng, trọng lượng của chúng làm cho đất bị vón cục và dính chặt vào nhau. Đất ướt có thể làm phức tạp thêm vấn đề, có thể làm giảm năng suất cây trồng từ 10% đến gần 60% vì nó khiến rễ cây khó tiếp cận chất dinh dưỡng hơn và ngăn nước và phân bón thấm vào đất.

Một nghiên cứu về các phương tiện quân sự lăn bánh trên đất đồng cỏ cho thấy, đất bị khô mất ít nhất một năm để phục hồi và có thể làm thay đổi cộng đồng vi sinh vật trong đất, cũng như làm giảm sự phong phú của các sinh vật khác, chẳng hạn như giun đất trong nhiều năm.

Ngoài ra các sự cố tràn nhiên liệu, ô nhiễm đạn dược, vũ khí hóa học, xác động vật và con người đều có thể làm bẩn đất, đôi khi trong nhiều thập kỷ hoặc lâu hơn. Đặc biệt là các kim loại độc hại tiềm tàng như chì, asen và thủy ngân có thể thoát ra khỏi đạn dược và vũ khí và thấm vào đất. Khi cây trồng phát triển, chúng có thể hấp thụ các yếu tố độc hại này, có thể làm cây trồng còi cọc nghiêm trọng.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. Nga tìm cách hạn chế tình trạng thiếu container lạnh sau trừng phạt
  2. Ký thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen
  3. Hội nghị G20: Vấn đề khủng hoảng lương thực có thể tệ hơn Covid
  4. Sầu riêng, cơ hội, thách thức – Một HTX nông nghiệp số đầu tiên

Popular Posts

Back To Top