Nhật Bản là thị trường mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới. Để tiếp cận được mục tiêu, doanh nghiệp phải lưu ý rất nhiều điều…
Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 19,3 tỷ USD. Trong những năm gần đây đang diễn ra làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Nhật tăng cường xây dựng nhà máy, sản xuất sản phẩm ở Việt Nam rồi xuất khẩu ngược lại về Nhật Bản. Bên cạnh đó số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản cũng tăng nhanh trong một thập kỷ qua, khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng nông thủy sản – thực phẩm Việt Nam ngày càng gia tăng.
Để xuất khẩu thành công sang Nhật Bản doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường. Thị trường Nhật Bản có một số đặc điểm nổi bật như sau:
Tiêu chuẩn kỹ thuật mang tính đặc thù
Hàng hóa nước ngoài muốn được nhập khẩu vào Nhật bắt buộc phải có giấy chứng nhận việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng đã đặt ra. Đối với hàng nông lâm thủy sản cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, và đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS – Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật; trong khi hàng công nghiệp cần phải đáp ứng điều kiện về quy cách sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật, quy định ghi nhãn hay các quy định ghi trong JIS – Tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản… Các lô hàng vi phạm quy định về chất lượng sẽ bị tiêu hủy hoặc trả lại, đồng thời hải quan Nhật Bản sẽ tăng cường tần suất và mức độ kiểm tra hàng hóa trong những lần sau, có thể gây ra nhiều phiền phức và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Hệ thống kênh phân phối phức tạp
Hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản phức tạp với truyền thống lâu đời gồm nhiều cấp khác nhau, với các chức năng riêng biệt. Ví dụ có những chuỗi siêu thị của Nhật Bản không nhập khẩu hàng trực tiếp từ nhà cung ứng nước ngoài, mà chỉ mua hàng từ các nhà bán buôn trung gian hoặc từ các đầu mối nhập khẩu lớn của Nhật Bản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu hàng vào thị trường Nhật phải thiết lập được mối quan hệ tốt với các đầu mối nhập khẩu lớn của Nhật Bản.
Chi phí xúc tiến thương mại, giao thương, điều tra thị trường… đắt đỏ
– Chi phí ăn, ở: Tokyo nằm trong top các thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất thế giới năm 2020. Giá 1 đêm ở khách sạn business tối thiểu là hơn 1 triệu VND.
– Chi phí đi lại: Phí tàu điện cao (gấp khoảng 2 – 3 lần so với chi phí đi tàu điện ở Bắc Kinh, phí taxi gấp 2 lần ở Hàn Quốc).
– Chi phí vận tải hàng hóa, gửi hàng mẫu tốn kém, đặc biệt chi phí vận tải đường biển tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, chi phí đường hàng không tốn kém. Chi phí thuê điều tra hoặc mua dữ liệu thị trường của các công ty Nhật Bản chuyên điều tra thị trường cũng là rất cao.
Văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng đặc thù
– Thị hiếu tiêu dùng: đối với người dân Nhật Bản, chất lượng là yếu tố được quan tâm nhất. Các hàng hóa được sản xuất nội địa tại Nhật có chất lượng cao, điều này cũng là tiêu chuẩn tương tự với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Tiếp đến người Nhật cũng chú trọng đến giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng… của sản phẩm. Các doanh nghiệp nước ngoài muốn có chỗ đứng tại thị trường Nhật cần nghiên cứu tìm hiểu rõ về thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm cùng với việc tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
– Về văn hóa kinh doanh của Nhật Bản, khi gặp gỡ đối tác Nhật lần đầu tiên thì doanh nghiệp Việt Nam cần nhớ mang theo danh thiếp, kèm theo catalogue, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu (nếu bằng tiếng Nhật là tốt nhất, hoặc ít nhất phải có tiếng Anh)… để giới thiệu lịch sự về bản thân, về doanh nghiệp và tạo niềm tin cho đối tác. Cần đảm bảo đúng giờ và giữ lời khi đã hứa hẹn một việc gì đó với đối tác. Ngoài ra, nhiều nhân viên các công ty Nhật thường không làm việc vào những ngày cuối tuần/ngày nghỉ, và thường liên lạc công việc qua email hoặc điện thoại công ty chứ không phải bằng điện thoại di động.
Theo vietnamexport
Bài đọc thêm: