Đến hẹn lại lên cùng điệp khúc ‘giải cứu’ nông sản Việt

Năm nào cũng có những đợt ‘giải cứu’ nông sản, nhưng người nông dân Việt vẫn sản xuất tự phát, thiếu hệ thống, để rồi rơi vào thế bị động…

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục đưa tin về việc Trung Quốc siết chặt biên giới để phòng dịch Covid-19, khiến nông sản Việt bị ùn tắc tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, đứng trước nguy cơ phải đổ bỏ. Để gỡ vốn, các tài xế chở nông sản đành quay xe chở về Hà Nội tiêu thụ với giá rẻ và phong trào “giải cứu” lại rộ lên. Trong các mặt hàng nông sản ở cửa khẩu không thể thông quan, mít và thanh long là sản phẩm dễ bị thối, hỏng nhất.

Tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội, xuất hiện nhiều điểm bán “giải cứu” mít Thái, thanh long. Theo khảo sát, giá bán mít tại các điểm bán này khá rẻ, mít chở từ Miền Nam ra dao động 12-13.000 đồng một kg, mít chở từ Lạng Sơn về dao động 9.000-10.000 đồng một kg, nhiều điểm bán theo quả với giá 70.000-80.000 đồng một quả. Giá bán thanh long dao động khoảng 150.000 đồng một thùng 17 kg, 80.000-90.000 đồng một thùng có 8-9 kg.

Không chỉ ở các vỉa hè, trên các trang mạng xã hội, một số cá nhân đã kêu gọi hoặc đứng ra nhận bán mít Thái, thanh long giúp người quen, họ hàng với mức giá dao động từ 8.000-13.000 đồng một kg.

Những ngày này, nghe tin cửa khẩu đang tắc nghẽn, tôi thấy buồn thay cho bà con nông dân. Bao nhiêu tiền của, công sức cả năm trời xem như đổ xuống sông, xuống biển. Nếu tiêu thụ được sang Trung Quốc, giá mít Thái bán tại thị trường Việt Nam dao động từ 30.000- 40.000 đồng một kg, giá thanh long dao động từ 35.000-40.000 đồng một kg. Còn bây giờ, giá chỉ còn 1/3 bình thường.

Mặt hàng tồn chủ yếu tại các cửa khẩu là hàng nông sản và thủy sản (chiếm tới 80-90%). Với thời gian thông quan lên đến 20-30 ngày như hiện nay, hầu hết hàng hóa nông, thủy sản này sẽ bị hỏng, dự kiến phải đổ bỏ, không còn khả năng tiêu thụ.

Thực tế, năm nào cũng có các cuộc “giải cứu” nông sản như vậy. Lý do là chúng ta chưa có những giải pháp dự trù, nên khi Trung Quốc đột ngột siết chặt quy định nhập khẩu, người nông dân Việt Nam liền rơi vào thế bị động, không có đầu ra và phải kêu gọi giải cứu từ phía cộng đồng, xã hội để gỡ vốn.

Hiện nay, nhiều nông dân làm theo phong trào, không ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, Nhà nước. Mặt khác, từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản, đến khâu tiêu thụ đều chưa được làm một cách đồng bộ. Chính vì vậy mà giá cả và chất lượng nông sản không có tính cạnh tranh trong thị trường khu vực và trên thế giới. Do đó, nông sản nước ta vẫn còn gặp nhiều thách thức lớn.

Tôi cho rằng giải pháp cho nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam những năm tiếp theo, đó là một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, dùng chuyển đổi số để minh bạch các dữ liệu đầu cung chuyển sang cho đầu cầu, kết nối cung – cầu về sản lượng, yêu cầu thị trường. Vì chỉ khi kết nối được cung – cầu, minh bạch, chuẩn hóa về chất lượng thông qua chứng nhận của cơ quan chức năng thì xã hội sẽ vào cuộc, kích hoạt thị trường phân phối.

Người nông dân phải biết hợp tác, biết áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật được chuyển giao, biết tiếp cận thị trường… đó mới là những cách thức có thể đưa nông sản Việt Nam đi xuyên tâm dịch. Nếu thiếu các yếu tố trên, thì mặc dù người nông dân tự trồng ra nông sản, nhưng lại không quyết định được giá cả mà vẫn trông chờ may rủi của thị trường.

Chính vì vậy, hàng nông sản Việt Nam cần có giải pháp lâu dài chứ không phải năm nào cũng kêu gọi cộng đồng, xã hội “giải cứu”. Nói cách khác, thị trường nông sản cần phát triển bền vững hơn. Việc này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tránh được tổn thất, và tâm lý chán nản cho người nông dân.

Theo vnexpress.net

Bài đọc thêm:

  1. Xuất khẩu sang Trung Quốc: Tắc cả đường biển lẫn đường bộ
  2. Đưa nông sản Việt Nam sang Mỹ: Cần lựa chọn sản phẩm phù hợp
  3. Cần chắc chắn thủ tục khi thông quan bằng đường biển

Popular Posts

Back To Top