Doanh nghiệp thiếu kỹ năng chuẩn bị trước kết nối giao thương

Sau hoạt động kết nối giao thương nông nghiệp mới đây tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy nhiều hạn chế về chuẩn bị…

Các doanh nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên có một điểm chung là rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Chính vì vậy, việc tận dụng các cơ hội kết nối giao thương (matching) do các tổ chức, cơ quan, đơn vị hỗ trợ kinh doanh (BSO) thực hiện là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến nông sản của Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi, các doanh nghiệp thu mua, phân phối và bán sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, tìm đầu ra hữu hiệu cho sản phẩm của mình, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp thu mua sản phẩm có thể tìm được nguồn cung ứng sản phẩm phù hợp với độ tin cậy cao hơn.

Với sự giúp đỡ của Dự án LinkSME do USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ), Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Agrotrade) đã tổ chức thành công buổi kết nối giao thương vào ngày 12/8/2022 tại khách sạn Fortuna, Hà Nội.

Tham gia buổi kết nối giao thương này có các doanh nghiệp đầu chuỗi, chuyên bán buôn, bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam hiện nay như Centrap Retail Corporation, Coopmart, Chuỗi cửa hàng Bác Tôm, Công ty CP Thực phẩm sạch Tâm An, Công ty TNHH Thịnh Phát Toàn Cầu… và 25 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Mặc dù bị ảnh hưởng của cơn mưa lớn suốt đêm 11/8 sang sáng 12/8 khiến cho đường giao thông nhiều chỗ bị ngập, tắc, nhưng đã có 64 buổi kết nối thành công trong số 76 kết nối hoạch định theo kế hoạch sáng 12/8 (kế hoạch ấn định chiều 11/8 là 98 kết nối), đạt hơn 84% kế hoạch.

Ngay trong quá trình giao thương có 1 hợp đồng bán sản phẩm được giao dịch thành công và hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến nông sản đã đạt được các ghi nhớ và hứa hẹn các cuộc làm việc tiếp theo trong việc liên kết chế biến – tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các SME và các doanh nghiệp đầu chuỗi. Nhìn chung, các doanh nghiệp chế biến nông sản tham gia rất phấn khởi, hào hứng với hình thức kết nối giao thương này.

Chị Lại Ngọc Hà, giám đốc Công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu trà và nông sản quốc tế Ngọc Thiện phấn khởi cho biết: “Đây là một hình thức kết nối doanh nghiệp rất có hiệu quả, doanh nghiệp chế biến nông sản ngoài việc được tiếp xúc với các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp thu mua và tiêu thụ sản phẩm, tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình, còn học hỏi được rất nhiều điều khác như các tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm… khi bán sản phẩm cho các doanh nghiệp thu mua và phân phối sản phẩm ra thị trường.

Bộ NN-PTNT và dự án LinkSME cần tiếp tục các hoạt động này để giúp đỡ doanh nghiệp chế biến nông sản nhỏ và vừa phát triển mạnh hơn”.

Tuy nhiên, qua buổi kết nối giao thương này cũng cho thấy một điều là các doanh nghiệp chế biến nông sản nhỏ và vừa của ngành nông nghiệp hiện nay rất hạn chế trong các kỹ năng kết nối giao thương (mặc dù đã được Dự án LinkSME huấn luyện trực tuyến một buổi chiều 10/8) nên kết quả chưa đạt được như mong muốn của doanh nghiệp.

Để hoạt động kết nối giao thương đạt hiệu quả, các doanh nghiệp chế biến nông sản nhỏ và vừa cần chú ý làm tốt các công việc sau:

Trước khi kết nối giao thương, doanh nghiệp cần (1) Kết nối chặt chẽ với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh (BSO), nhất là đơn vị tổ chức sự kiện để nắm rõ lịch kết nối, địa điểm kết nối, lên kế hoạch hoạt động cho phù hợp, tránh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, chẳng hạn như trận mưa lớn đêm 11/8 và sáng 12/8; (2)Tìm hiểu kỹ các doanh nghiệp đầu chuỗi (các lead firm, người mua hàng) để có các sự chuẩn bị phù hợp; (3) Xác định rõ ràng mục tiêu tham gia sự kiện (tham gia để học hỏi kinh nghiệm, tham gia để kết nối và bán sản phẩm cho một doanh nghiệp đầu chuỗi cụ thể…); (4) Chuẩn bị đầy đủ các catalogue sản phẩm, hàng mẫu, danh thiếp để thuyết phục người mua (doanh nghiệp đầu chuỗi) chú ý đến sản phẩm và doanh nghiệp của mình; (5) Lựa chọn nhân sự tham gia sự kiện phù hợp. Nên ưu tiên cử các lãnh đạo doanh nghiệp có khả năng đàm phán kinh doanh, có khả năng ra quyết định đối với các đơn hàng hoặc có khả năng nắm bắt các nhu cầu của doanh nghiệp đầu chuỗi để hướng hoạt động của doanh nghiệp mình theo nhu cầu của người mua hàng (kết nối tiềm năng)…

Trong khi diễn ra sự kiện kết nối giao thương, các doanh nghiệp chế biến nông sản cần trình bày ngắn gọn, chính xác các nhu cầu, sản phẩm của mình vì thông thường thời gian cho phép mỗi doanh nghiệp khá ngắn, chỉ 15-20 phút mà thôi.

Cố gắng sáng tạo trong việc trình bày của mình sao cho việc trình bày truyền tải được thông điệp của sản phẩm, của tầm nhìn doanh nghiệp của mình, đặc biệt chú trọng đến lợi ích vượt trội của sản phẩm nhằm hấp dẫn, thu hút đối tác, là những người có khả năng mua sản phẩm của mình trong tương lai.

Đặc biệt, cần mạnh dạn tương tác với khách hàng (đối tác trong buổi kết nối giao thương) nhằm tìm hiểu các nhu cầu mua hàng, về số lượng, quy cách, chất lượng của sản phẩm cần mua, cũng như có thể nhận diện được khách hàng tiềm năng, qua đó chuyển đổi kế hoạch sản xuất của minh cho phù hợp với doanh nghiệp mua hàng để đi đến quyết định giao dịch chi tiết hơn.

Sau sự kiện kết nối kinh doanh, các doanh nghiệp chế biến nông sản nhỏ và vừa chú ý liên hệ với doanh nghiệp đầu chuỗi, người mua hàng tương lai của mình càng sớm càng tốt nhằm tận dụng ấn tượng tốt đã được tạo ra từ sự kiện kết nối giao thương vừa diễn ra.

Gửi các thông tin chi tiết hơn về doanh nghiệp và sản phẩm của mình để người mua nghiên cứu thêm. Đồng thời tạo thêm các cuộc tiếp xúc phù hợp giữa hai bên để triển khai các ghi nhớ đã đạt được và xúc tiến việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. Sẽ còn nhiều nông sản của Việt Nam gặp nguy cơ mất đi nhãn hiệu
  2. Thành công dán tem truy xuất nguồn gốc nước mắm Phú Quốc
  3. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8
  4. Đón tàu trên 8.000 TEU cập cảng Cái Mép-Thị Vải – tuyến PVCS
  5. Trung Quốc chi tiết kế hoạch xây dựng đường cao tốc đến xứ Đài
  6. Hoa Kỳ sẽ áp thuế gỗ dán có lõi nguyên liệu là ván bóc Trung Quốc

Popular Posts

Back To Top