Doanh nghiệp Việt bức xúc trước nguy cơ tăng cước phí vận tải biển lần 3

Hiệp hội Logistic Việt Nam sẽ kiến nghị Chính phủ để phản đối việc tăng cước phí tàu khi ngành vận tải biển đang liên tiếp gặp khủng hoảng…

Trong năm 2021, khủng hoảng liên tiếp xảy ra đối ngành vận tải biển quốc tế. Cước phí vận tải đường hàng hải cũng theo đó tăng vọt và dần trở nên mất kiểm soát trong thời gian gần đây.

Ba cuộc khủng hoảng liên tiếp

Tháng 1/2021, làn sóng mua hàng từ các nền kinh tế lớn bùng nổ, nguyên nhân đến từ nhu cầu phục hồi kinh tế, cung ứng sau đại dịch Covid-19. Dịch vụ vận tải quốc tế được đẩy mạnh dẫn đến tình trạng các container rỗng trở nên khan hiếm, kết quả cước phí vận chuyển cũng tăng cao.

Tháng 4/2021, tàu container Ever Given thuộc hàng lớn nhất của thế giới bị mắc kẹt ở kênh đào Suez đã gây ra ùn tắc cục bộ. Trong gần một tuần hè, tuyến đường giao thương chính của thế giới bị đóng băng. Thiệt hại do việc tàu Ever Given bị mắc kẹt ước tính lên tới 1 tỷ USD. Để bù lỗ, các hãng tàu một lần nữa lại tăng cước phí vận chuyển. 

Đầu tháng 6/2021, dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc. Địa điểm bùng dịch là nơi có hai cảng biển lớn thứ 3 và thứ 5 của thế giới, kết quả dẫn đến trình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Giá xuất khẩu cũng như chi phí vận tải biển vì vậy một lần nữa bị đẩy lên. 

Sau vài tháng “đứng yên” ở mức giá hồi đầu năm 2021 – khoảng 10.000 USD/container 40 feet đi EU, giá cước vận tải biển gần đây lại tiếp tục tăng lên thêm ~1.000 USD/container 40 feet.

Việc tăng cước phí tàu container sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp logistics
Việc tăng cước phí tàu container sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp logistics (Nguồn ảnh: Pexels)

Phí chồng phí, doanh nghiệp kiến nghị chính phủ

Thông thường tại cảng biển, các doanh nghiệp và đơn vị logistics đã phải trả phí neo đậu, chi phí xếp dỡ hàng hóa, chi phí lưu hàng tại kho. Ngoài ra trong hơn 1 năm qua, các đơn vị cũng phải chi trả cho trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19. Tuy nhiên, nay lại bổ sung thêm ‘phí dịch vụ cảng biển’.

Việc này đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến doanh nghiệp logistics Việt Nam buộc phải tăng giá dịch vụ vận chuyển, từ đó làm giảm sức cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics quốc tế – trong thời kỳ vàng tăng cường xuất khẩu đến các nền kinh tế lớn hiện nay.

Theo báo Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho biết chi phí logistics thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ví dụ: chi phí logistics đối với mặt hàng điện tử chỉ chiếm 6-7%, cao nhất là các mặt hàng nông sản, chi phí logistics chiếm 15-20%.

Tuy nhiên, giá cước vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu hiện nay đã ngang bằng hoặc cao hơn so với giá trị đơn hàng. Các đơn vị logistics đã dần thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, cước phí sắp tới lại có thể tiếp tục tăng lên.

Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết sẽ gửi văn bản kiến nghị Chính phủ trước việc các hãng tàu liên tục tăng giá cước vận chuyển, và cần có hành động cụ thể để giải quyết tình trạng này – theo báo Công Thương. 

Tài liệu tham khảo:
1. Báo công thương – Doanh nghiệp Việt “bức xúc” khi cước vận chuyển thiết lập đỉnh giá mới

Popular Posts

Back To Top