Doanh nghiệp Việt cần đổi mới, thích ứng với tiêu chuẩn cao hơn

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 và Lệnh số 249 gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Trung Quốc.

Với những quy định mới này, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn bắt nhịp khi từ trước tới nay họ luôn cho rằng “Trung Quốc là thị trường dễ tính”, bà Hồ Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc Đối ngoại và hợp tác quốc tế, Công ty CP Đầu tư thương mại XNK phân phối Sun Hee DC Group (đơn vị kết nối thương mại các thị trường) nhận định.

Việc đăng ký không chỉ có kê khai, mà phải bảo đảm được quy trình đúng như các lệnh yêu cầu, bởi nếu không sẽ bị thu hồi hoặc phạt nặng.

Chính sách này khiến các công ty nhỏ gặp nhiều khó khăn khi phải chạy nước rút hoàn thiện các yêu cầu về nhà xưởng, tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất… “Trung Quốc đang nâng mức độ kiểm soát an toàn thực phẩm từ vườn trồng đến bếp ăn, trong khi xuất khẩu của Việt Nam từ trước đến nay đường tiểu ngạch chiếm ưu thế, doanh nghiệp chỉ cần quan tâm đàm phán được đơn hàng. Bởi vậy, việc xây dựng một quy trình đúng chuẩn không dễ và cần có lộ trình. Đặc biệt, cần có sự hướng dẫn cụ thể và kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước”, bà Ngọc nói.

Có thể gặp những khó khăn trước mắt như không thể xuất khẩu được nếu chưa được cấp mã doanh nghiệp, tuy nhiên bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc lại tỏ ra lạc quan khi kỳ vọng về dài hạn: “Quy định mới sẽ dần buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn hóa các quy trình, từ bỏ thói quen coi Trung Quốc là thị trường “dễ tính” và không chịu thay đổi”.

Theo bà Hương, nếu không muốn đánh mất thị trường “cả thế giới thèm khát” thì chúng ta cần xem Trung Quốc là thị trường mặc nhiên phải tuân thủ một cách nghiêm túc các quy định của họ, giống như khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… bởi đây là thị trường có dân số đông, hơn nữa lại có nhiều thuận lợi về địa lý, tăng sức cạnh tranh trước nhiều đối thủ “nặng ký” khác. Khó khăn, nhưng không thể làm khác nếu muốn nhảy vào môi trường cạnh tranh chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Trung Quốc đang có thay đổi lớn đối với thị trường nhập khẩu từ nước ngoài. Trong 10 tháng năm 2021, nước này đã có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

Với quy định mới, mã số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp và được thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói.

Các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này ngoài việc công bố nguồn gốc, có bao bì, thương hiệu rõ ràng và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã đăng ký, còn phải cập nhật trên hệ thống quá trình ghi chép sản xuất, chế biến hằng ngày. Như sản phẩm thủy sản, cần ghi rõ đánh bắt ở đâu, tọa độ nào, thuộc huyện, tỉnh nào và cập nhật trên hệ thống…

“Do đó, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc”, ông Nam khuyến cáo.

Ông Nam cũng cho biết, phía Hải quan Trung Quốc cũng đưa ra quy định phạt tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 36 triệu đồng) cho việc kê khai hồ sơ không đúng quy định. Hơn nữa từ ngày 1/1/2022, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thành đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã, lô hàng xuất khẩu sẽ không được thông quan.

Theo ông Nam, việc được cấp mã đã rất khó, duy trì nó còn khó hơn bởi với quy định mới, các nhà nhập khẩu thực phẩm phải thiết lập hệ thống ghi chép nhật ký nhập khẩu và tiêu thụ thực phẩm, ghi chép trung thực tên thực phẩm, trọng lượng/quy cách, số lượng, ngày sản xuất, số lô sản xuất/nhập khẩu, hạn sử dụng, tên và địa chỉ nhà xuất khẩu nước ngoài và người mua hàng, thông tin liên hệ, ngày giao hàng… và lưu các chứng từ liên quan.

Thời hạn bảo quản hồ sơ, chứng từ không dưới sáu tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng thực phẩm, nếu không rõ hạn sử dụng thì thời hạn bảo quản hơn hai năm kể từ ngày bán. Nhưng chỉ cần cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra đột xuất phát hiện có công nhân đeo khẩu trang không đúng cách, nhà máy có mạng nhện, không có kệ đặt hàng… là có thể bị xử lý, thậm chí thu hồi mã đăng ký. Lúc đó, doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ mới tiếp tục được xuất khẩu.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công thương cho biết, chỉ riêng mặt hàng nông sản, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng hơn 160 tỷ USD. Song kim ngạch nông sản của Việt Nam sang thị trường này chiếm chưa đến 10% trong số đó, chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD.

Cho rằng đây là một điều rất đáng tiếc bởi vị trí địa lý hai nước “núi kề núi, sông liền sông”, ông Sơn nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần thay đổi”. “Chỉ 3-5 năm nữa thôi, Trung Quốc sẽ đưa hoạt động thương mại biên mậu theo đường tiểu ngạch về đúng bản chất của nó. Nếu doanh nghiệp vẫn giữ cách làm, nhận thức và tiếp cận thị trường bằng thói quen cũ thì chắc chắn là sẽ để mất một thị trường có nhu cầu hàng hóa ở mức rất lớn…”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đang phụ thuộc thị trường Trung Quốc nhưng lại chưa có ý thức tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường này. Đây là điều rất nguy hiểm!

Cho nên, điều đầu tiên để thích ứng với những thay đổi mới là doanh nghiệp cần thay đổi ý thức, sau đó sẵn sàng hành động bởi lâu nay “làm dưới chuẩn quen rồi”…

Theo Báo Thời Nay

Popular Posts

Back To Top