Trong bối cảnh nhiều quốc gia bảo hộ lương thực, hạn chế xuất khẩu, giá cả tăng. Doanh nghiệp Việt tận dụng để tiến sâu vào nhiều thị trường.
- Kim ngạnh thủy sản tăng mạnh sau khi kinh tế toàn cầu hồi phục hậu COVID.
- Nhu cầu thị trường châu Âu tiếp tục tăng đặc biệt vào cuối mùa hè và đầu mùa thu.
Theo nhiều doanh nghiệp thực phẩm, Việt Nam đã từ lâu không còn lo ngại về an ninh lương thực, mà còn trở thành một nhà cung cấp lương thực, thực phẩm như thủy sản, gạo… có vị thế nhất định trên thế giới.
Nằm trong nhóm hưởng lợi khi kinh tế toàn cầu hồi phục hậu COVID-19, xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tiếp tục đạt 1 tỷ USD, cao hơn 27% so với cùng kỳ.
Theo Tổng cục Thủy sản, việc các doanh nghiệp tích cực giải bài toán chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư chế biến sâu… đã giúp sản phẩm ngày càng được ưa chuộng tại những thị trường khó tính, đồng thời có mức giá cao hơn.
“Các doanh nghiệp của chúng ta sau 2 năm COVID-19 đã có những thích ứng biến đổi và đưa sản phẩm chế biến của chúng ta phù hợp cho sử dụng trong các hộ gia đình mà trước đây lệ thuộc vào các hệ thống nhà hàng thì hiện nay người ta nấu ăn tại nhà. Đây là một trong những ví dụ cho sự chuyển hướng”, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, đánh giá.
Nhu cầu thị trường tiếp tục được đẩy mạnh ở thị trường châu Âu, đặc biệt cho cuối mùa hè và đầu mùa thu. Các nhà nhập khẩu và phân phối ở thị trường châu Âu sẽ chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này. Các mặt hàng, đặc biệt là tôm sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu của thế giới”, ông Hoàng Văn Duy, Giám đốc Công ty Kết nối Hải sản Mekong, cho biết.
“Lúc trước bên mình chỉ dự trữ sản lượng trong 3 – 4 tháng, nhưng giờ mình tập kết thêm nguyên liệu gạo… trong 6 tháng vì các đơn hàng đã ký kết cả 1 năm chứ không chỉ 1 – 2 tháng. Mỗi thị trường xuất khẩu lại có đòi hỏi riêng như về chất lượng, kích cỡ, mình sẽ điều chỉnh công thức cho phù hợp với từng đối tượng yêu cầu”, ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thực phẩm Duy Anh, cho hay.
“Tại thị trường Mỹ, châu Âu và một số nước, đơn đặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến tăng rất cao. Với nguồn nguyên liệu của chúng ta, hàng Việt Nam gần như là “bếp ăn” của thế giới với những nhóm hàng quen thuộc như miến, mì, thực phẩm chế biến…”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Bộ Công Thương cho biết sẽ bám sát biến động của kinh tế thế giới để thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp về thị trường và cơ hội xuất khẩu. Dự kiến từ nay tới cuối năm, Cục Xúc tiến thương mại và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ phối hợp tổ chức các phiên tư vấn xuất khẩu, giúp doanh nghiệp Việt nắm bắt thời cơ trong thách thức.
Theo VTV
Bài đọc thêm