Theo dự thảo do Bộ Y tế đề xuất, doanh nghiệp chỉ cần cách ly F0, phun khử khuẩn phân xưởng và sau 24 giờ có thể tiếp tục sản xuất an toàn…
Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/10/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang tiếp tục xin ý kiến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia để sớm ban hành hướng dẫn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Trước đó, ngày 30/9/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có văn bản hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc khẩn trương gửi văn bản góp ý hoàn thiện dự thảo hướng dẫn này.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, đối với một doanh nghiệp có xuất hiện trường hợp F0 ở phân xưởng, tinh thần hướng dẫn là không đóng cửa cả nhà máy. Thay vào đó, sẽ khoanh vùng phân xưởng; đưa F0 đi cách ly và điều trị y tế; sàng lọc và đưa các F1 đi cách ly; phun trùng khử khuẩn phân xưởng có F0. Đáng chú ý, dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế đề xuất, sau 24 tiếng phun khuẩn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa lực lượng lao động mới đã được kiểm soát an toàn dịch bệnh quay trở lại phân xưởng đó làm việc để duy trì hoạt động sản xuất. Đây cũng là mô hình đã được Bộ Y tế phối hợp triển khai thử nghiệm khá thành công ở Bắc Ninh trong các đợt dịch trước.
Về việc xét nghiệm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết từ cuối đợt dịch 2 và trong đợt dịch 3 Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn đến các địa phương và doanh nghiệp. Đối với xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT – PCR) có thể gộp 5 hoặc 10 mẫu, thậm chí 15 mẫu; đối với xét nghiệm nhanh có thể gộp 3 hoặc 5 mẫu vào một bộ test. Quy định này nhằm tiết kiệm nguồn lực, giảm thời gian xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, mà vẫn đảm bảo chất lượng xét nghiệm và đảm bảo an toàn sinh học.
Liên quan đến thắc mắc của báo chí về sự tương thích giữa hướng dẫn mới này với các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cho biết đang tiến hành nghiên cứu, rà soát và sẽ có tham mưu, báo cáo Thủ tướng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Chỉ thị mới thay thế các Chỉ thị trên nếu cần thiết.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: