Với kinh nghiệm tiêu thụ vải năm 2021, các HTX ở Bắc Giang đã đẩy mạnh kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử cho niên vụ vải năm 2022.
Kỳ vọng bán hết trên sàn
Năm 2021, HTX Nông sản sạch Bình Nguyên tại thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tiêu thụ được 300 tấn vải thông qua sàn thương mại điện tử trong tổng số 400 tấn thu hoạch được. Đây là con số mà ông Vũ Nguyên Bình, người đứng đầu HTX không thể nghĩ đến trước khi vài vào mùa thu hoạch.
Với tổng diện tích gần 40 ha, năm nay mặc dù vải mới đang trổ hoa nhưng anh Bình và các thành viên của HTX đã ra phương án, tính toán các giải pháp với kỳ vọng có thể tiêu thụ 100% sản lượng thông qua thương mại điện tử.
“Dự kiến sản lượng vải năm nay của HTX chúng tôi sẽ vào khoảng 450 tấn và hy vọng sẽ phối hợp để có thể tiêu thụ hoàn toàn được số vải này thông qua sàn thương mại điện tử”, ông Vũ Nguyên Bình chia sẻ.
Năm 2021, phương thức kinh doanh truyền thống với vải Lục Ngạn gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 thời điểm đó diễn biến phức tạp. Nhưng cũng chính khó khăn này đã giúp HTX Nông sản sạch Bình Nguyên tìm được hướng đi mới, thông qua sàn thương mại điện tử mà đối tác chính là Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
“Kinh doanh qua sàn thương mại điện tử giúp chúng tôi biết được số lượng đặt hàng, từ đó làm chủ được nguồn hàng, chủ động được đầu ra cho sản phẩm của mình chứ không đơn thuần chở ra chợ bán như trước đây”, ông Bình nói và ví dụ, nếu đơn hàng cần 10 tấn thì chúng tôi sẽ thu hoạch đủ để trả đơn chứ không như trước đây, hái 10 tấn đem bán còn thừa bao nhiêu phải để lại chịu hư hỏng.
Ngoài ra, ưu điểm của kênh bán hàng này là có thể quảng bá quy mô lớn, tiếp cận được nhiều khách hàng ở nhiều địa phương, giao dịch ổn định hơn và đặc biệt là giá bán cũng cao hơn so với phương pháp kinh doanh truyền thống.
Tính riêng năm 2021, với 300 tấn vải bán qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn, HTX của ông Bình đã tăng được doanh thu 30% so với cách bán hàng truyền thống trước đây.
Do lần đầu bán hàng qua kênh này nên HTX cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên các nhân viên Bưu điện Việt Nam đã có mặt để hỗ trợ cho các nông dân, không chỉ về quảng bá, quản lý sản phẩm trên sàn mà còn về các đóng gói làm sao cho đúng quy cách, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm đến khi tới tay người tiêu dùng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Giang cho biết, ngoài hợp tác bán hàng, phía sàn Postmart.vn cũng liên tục tiếp thu phản hồi của khách hàng để cùng các HTX thay đổi trong đóng gói, mẫu mã với mục tiêu đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô
Khi tham gia bán hàng qua sàn thương mại điện tử, bên cạnh các ưu điểm, nông dân trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng phải chấp nhận thêm thách thức đó là yêu cầu về chất lượng cao hơn nhiều so với đem ra chợ bán trước đây.
Theo ông Vũ Nguyên Bình, hiện nay toàn bộ diện tích vải của HTX đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và có một phần theo hướng hữu cơ bằng cách mắc màn chống sâu bệnh, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để quả vải đảm bảo chất lượng và độ an toàn cao nhất khi đến tay người tiêu dùng”, đại diện HTX Nông sản sạch Bình Nguyên cho biết.
Theo đó, gần 40 ha vải của HTX đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn diện tích trồng vải theo hướng hữu cơ là 1 ha và đang có kế hoạch nâng lên 10 ha trong thời gian tới.
Để đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên HTX phải thay đổi phương thức sản xuất trước đây để đáp ứng được tiêu chí về thời gian, liều lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Nếu như trước đây cứ thấy có dấu hiệu của sâu bệnh là phun thuốc, vừa tốn kém vừa không an toàn thì hiện nay mọi quy trình đều được kiểm soát”, ông Bình chia sẻ và cho biết từ khi đáp ứng được tiêu chuẩn này thì chất lượng quả vải được cải thiện và có thời điểm giá bán cao gấp rưỡi so với trước đây.
Về vấn đề tiêu thụ, đại diện HTX bày tỏ mong muốn sẽ kết hợp với sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam để mở rộng quy mô thông qua các chiến dịch quảng bá cũng nhưng nghiên cứu cải thiện phương thức đóng gói, mẫu mã cho quả vải.
“Một mong muốn nữa của chúng tôi là làm thế nào để quả vải đến tay người tiêu dùng vẫn đạt được chất lượng như lúc vừa thu hoạch tại Bắc Giang”, ông Vũ Nguyên Bình chia sẻ thêm.
Về phía Postmart.vn, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang cho biết, một trong những vấn đề được đẩy mạnh trong vụ vải năm 2022 là vận chuyển.
“Vụ vải sẽ chín rộ trong vòng nửa tháng nên áp lực bảo quản, vận chuyển là rất lớn. Ngoài phương tiện vận chuyển, năm nay Bưu điện tỉnh Bắc Giang sẽ bố trí các nhà lạnh, container lạnh để bảo quản tại các địa phương, đảm bảo vải đến tay người tiêu dùng vẫn chất lượng như vừa thu hoạch”, bà Nguyễn Thị Giang cho biết.
Theo Báo Nông Nghiệp
Bài đọc thêm: