Ấn Độ đã yêu cầu hành động khẩn sau khi EU phát hiện 500 tấn gạo biến đổi gen GMO của nước này được nhập khẩu vào lãnh thổ từ hồi tháng 6…
Theo Liên minh chống lúa gạo GMO Ấn Độ, việc từ chối 500 tấn gạo bị tố là biến đổi gen trong lô hàng của Ấn Độ của Liên minh châu Âu vào tháng 6 năm 2021 đã làm mất “uy tín của Ấn Độ và thị trường nông sản của nước này”.
Hôm qua (19/10), Liên minh chống lúa gạo GMO Ấn Độ đã viết một bức thư khẩn gửi lên ông AK Jain, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Kỹ thuật Di truyền (GEAC) và Liên bộ Môi trường, Rừng & Biến đổi khí hậu (MoEF & CC) để yêu cầu lên tiếng về vụ việc này.
Nội dung bức thư viết: Một số lô bột gạo của Ấn Độ đã bị buộc thu hồi ở EU sau khi Hệ thống Cảnh báo nhanh về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi (RASFF) của Ủy ban Châu Âu xác định các sản phẩm này là bất hợp pháp. Mặc dù những lô hàng tương tự vẫn được bán trên thị trường ở một số nước châu Âu cũng như ở Mỹ, Iraq, Mauritius, Qatar, Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), Lebanon, Senegal và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, 500 tấn gạo tấm trắng của nước này đã được nhập khẩu vào châu Âu từ tháng 6 năm nay, sau đó được chế biến thành bột gạo và đóng gói rồi phân phối ra thị trường tại nhiều nước châu Âu như một thành phần trong kẹo sô cô la của công ty Mars Inc (M & M’s Crispy) và bánh nướng.
Bức thư của liên minh cũng nhờ báo chí truyền thông tìm kiếm danh tính của tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu số gạo tấm trên và yêu cầu mở một cuộc điều tra về chuỗi cung ứng.
“Chúng tôi là nguồn tin đối với các bạn, còn các bạn hỗ trợ chúng tôi. Chúng ta cùng nhau gây dựng nền báo chí độc lập, đáng tin cậy và không sợ hãi. Sự đóng góp của các bạn có thể giúp chúng tôi nhiều hơn và điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp tin tức, quan điểm và phân tích từ cơ sở để chúng ta có thể cùng nhau thay đổi”, bức thư khuyến nghị.
Cây trồng biến đổi gen đã được sản xuất và thương mại hóa ở một số quốc gia, nhằm nâng cao chỉ số dinh dưỡng của chúng. Tuy vậy ngay tại Ấn Độ, một số nhóm các nhà hoạt động xã hội dân sự từ lâu đã bày tỏ những quan ngại liên quan đến sức khỏe và môi trường xung quanh thực phẩm GMO.
Đến nay chính phủ Ấn Độ vẫn chưa chấp thuận trồng thương mại các loại cây lương thực biến đổi gen. Tuy nhiên, riêng với lúa gạo GMO thì đã được cho phép trồng thử nghiệm trên nhiều mô hình đồng ruộng khác nhau.
Trong diễn biến liên quan ngày 19/10, một nông dân trồng lúa ở bang Kerala cũng lên tiếng, yêu cầu chính phủ thành lập một cơ quan liên bộ phối hợp với GEAC để xem xét việc có hay không hoạt động nhập khẩu trái phép các giống GMO vào sản xuất trong nước.
Đại diện nông dân trồng lúa bang Kerala cũng đề xuất chính phủ nên cấm các cuộc thử nghiệm trên đồng ruộng để tránh bất kỳ sự ô nhiễm nào đến chuỗi cung ứng thực phẩm và hạt giống trong nước.
“Việc trồng bất hợp pháp bông và đậu nành biến đổi gen đã cho chúng ta thấy một dấu hiệu rõ ràng rằng hệ thống quản lý của chúng ta không hiệu quả để tạo kẽ hở cho những kẻ đứng sau cung cấp hạt giống…”, nông dân này cho biết.
Theo các báo cáo tổng hợp, nông dân ở bang Maharashtra từng bị cáo buộc trồng bông HT bất hợp pháp để khai thác thương mại trong bối cảnh hạn hán thường xuyên xảy ra vào năm 2019.
Trước đó vào năm 2012, Tổng cục Y tế và Người tiêu dùng của Ủy ban Châu Âu cũng từng gửi một cảnh báo tới Ấn Độ, yêu cầu phản hồi về việc tìm thấy các sinh vật biến đổi gen cấm có trong gạo xuất khẩu từ Ấn Độ. Tuy nhiên Ấn Độ đã bác bỏ các cáo buộc.
Theo Nông sản Việt
Bài đọc thêm: