Forest Trends: Thị trường gỗ cuối năm 2022 dự báo kém sôi động

Khoảng 71% doanh nghiệp trong khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, số đơn hàng từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục đà giảm…

Trích khảo sát trên 52 doanh nghiệp mà các hiệp hội gỗ vừa phối hợp Forest Trends thực hiện, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) – cho biết, 33/45 doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ; 24/38 doanh nghiệp xuất khẩu đi EU và 17/25 doanh nghiệp xuất khẩu đi Anh có doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm.

Số doanh nghiệp có doanh thu hiện tại tăng rất nhỏ, theo ông Lập. Ngoài ra, khoảng 71% doanh nghiệp nhận định tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

“Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào”, ông Lập nói.

Lý giải cho thực trạng này, ông Lập phân tích: “Lạm phát tăng cao ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Anh… tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ. Đa số đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào”.

Để khắc phục khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường. Những việc này khiến mục tiêu xuất khẩu gỗ 16,3 tỷ USD của ngành gỗ năm 2022 bị ảnh hưởng.

Chia sẻ thêm về mục tiêu xuất khẩu gỗ năm nay, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2022 đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó.

Cụ thể, tính tổng 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 10,42 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Nghĩa, nguyên nhân của vấn đề nằm ở thị trường xuất khẩu chính (Mỹ) giảm 4,9%, do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường này bị kéo giảm, khiến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành không đạt kỳ vọng, dù xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng trên 13% do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng.

Một nguyên nhân nữa, là giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao. Các loại chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển đều tăng mạnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp lạc quan về nguồn cung nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước. Ông Nghĩa tin rằng, nguồn cung gỗ nội địa cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Bên cạnh cam kết tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản tại các tỉnh miền núi phía bắc và Hội thảo Thúc đẩy thương hiệu gỗ tại phía Nam, Tổng cục Lâm nghiệp lưu ý nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu gỗ. Lý do bởi nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén tăng, dẫn đến tăng giá thu mua và các chủ rừng có xu hướng chặt rừng non (rừng trồng 3-4 tuổi).

Theo Báo NNVN

 

Bài đọc thêm:

  1. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc: Nguy cơ vẫn tắc đến hết năm
  2. EU cảnh báo Việt Nam thiếu quy định về cấm Ethylene Oxide (EO)
  3. Mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu EU lại gặp cảnh báo Ethylene oxide
  4. EU đưa ra 9 cảnh báo về an toàn thực phẩm với rau quả Việt Nam
  5. EU tăng cường kiểm tra dư lượng MRL trên hàng hóa nhập khẩu
  6. Cảnh báo lá mướp đắng và nông sản vượt dư lượng và chất cấm

Popular Posts

Back To Top