Trước rủi ro vỡ nợ của Evergrande, thị trường nông sản tuần qua đã trải qua một đơt giao dịch đầy biến động, hiện đang phục hồi trở lại…
Thị trường nông sản thế giới đã trải qua tuần giao dịch biến động mạnh khi giới đầu tư hoảng loạn trước rủi ro vỡ nợ của tập đoàn Evergrande. Tuy nhiên, giá ngô, đậu tương và lúa mì đã phục hồi trở lại khi tâm lý thị trường ổn định, kết hợp với lực mua kỹ thuật và lo ngại về rủi ro nguồn cung.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giảm nhẹ 2,75 cents xuống còn 5,26 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô).
Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng không đáng kể 0,75 cents/giạ lên 12,85 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). Giá lúa mì giao tháng 12/2021 tăng 6 cents lên 7,23 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì). Tính chung cả tuần này, giá ngô tăng 0,8%, giá đậu tương tăng 1,8% và giá lúa mì tăng 3,28%.
Đối với mặt hàng ngô, Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết thời tiết thuận lợi đã giúp tốc độ thu hoạch ngô vụ mới tại Hoa Kỳ đang diễn ra khá nhanh. Bên cạnh đó, tính đến tuần kết thúc vào ngày 17/9, tỷ lệ diện tích canh tác ngô đạt chất lượng từ tốt đến tuyệt vời duy trì tại mức 59%, tăng 1% so với tuần trước.
Các dữ liệu tích cực này là chỉ báo sớm cho thấy sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của Hoa Kỳ sẽ ở mức tốt, tương đồng với những dự báo được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đưa ra trong Báo cáo Ước tính cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 9/2021. Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh) hiện dự báo sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của Hoa Kỳ đạt 15,046 tỷ giạ, cao hơn mức 14,966 tỷ giạ được USDA dự báo.
Dữ liệu cho thấy nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã tăng vọt 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái khi nhu cầu về thức ăn chăn nuôi tại nước này tăng lên. Sản lượng thức ăn chăn nuôi tại nước này trong tháng 8 vừa qua tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 21,4 triệu tấn ngô, tăng 283,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhu cầu thu mua ngô của Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhân tố chính chi phối giá ngô thế giới, đặc biệt là giá ngô tại Hoa Kỳ, trong ngắn hạn.
Đối với mặt hàng đậu tương, Trung Quốc đã nhập khẩu 9,49 triệu tấn đậu tương trong tháng 8 vừa qua, chủ yếu từ Brazil. Con số này giảm nhẹ so với mức 9,6 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Thị trường hiện kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu đậu tương của nước này sẽ tăng lên trong thời gian tới khi bước vào một số dịp lễ hội quan trọng cuối năm.
Trong khi đó lượng tồn kho đậu tương tại Trung Quốc tính đến tuần kết thúc vào ngày 19/9 chỉ đạt 6,41 triệu tấn, thấp hơn 0,76 triệu tấn so với cùng kỳ tháng trước. Lượng tồn trữ khô đậu tương cũng như dầu đậu tương tại nước này cũng đang giảm xuống.
Trung Quốc vừa qua đã yêu cầu 10 nhà máy nghiền đậu tương tại khu vực phía Đông nước này phải ngưng hoạt động hoặc giảm công suất nhằm tiết giảm lượng tiêu thụ điện năng khi nước này đang rơi vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Điều này có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng cường nhập khẩu khô đậu tương và dầu đậu tương trong thời gian tới.
Trong khi đó, nguồn cung đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương của Argentina đang có xu hướng suy giảm. Sản lượng ép dầu đậu tương của nước này trong tháng 8 vừa qua đã giảm 7,4% so với tháng trước, xác lập tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Bên cạnh đó, nông dân Argentina cũng giảm đáng kể lượng đậu tương bán ra so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường hiện đang tập trung theo dõi các động thái của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) khi cơ quan này đề nghị giảm mạnh quy định phối trộn ethanol vào nhiên liệu trong năm 2021 và 2022. Nếu được thông qua, chính sách sẽ ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực ép dầu đậu tương và sản xuất ethanol của nước này. Khoảng hơn 40% sản lượng đậu tương hàng năm của Hoa Kỳ được dùng để ép dầu, sản xuất ethanol.
Đối với mặt hàng lúa mì, sự suy giảm nguồn cung lúa mì từ Nga và Hoa Kỳ kết hợp với nhu cầu thu mua lúa mì của Trung Quốc vẫn ở mức cao đã đẩy giá lúa mì liên tục tăng trong những tuần gần đây. Mặc dù nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua đã giảm 19,3 so với tháng trước nhưng tính từ đầu năm đến nay, tổng lượng lúa mì được nước này nhập khẩu đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
USDA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 10,6 triệu tấn lúa mì niên vụ 2020/2021, cao gấp đôi so với mức 5 triệu tấn của niên vụ 2019/2020. Đây cũng là mức nhập khẩu cao nhất của nước này kể từ những năm 1990.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: