Cửa khẩu sang Trung Quốc ùn ứ, doanh nghiệp chuyển sang vận tải bằng đường biển nhưng gặp khó do thiếu container lạnh và giá tăng 3-4 lần.
Theo ông Huy, việc ứ đọng hàng ở biên giới và tồn đọng trái cây tại vườn đang khiến người trồng và doanh nghiệp như “ngồi trên lửa”. Để đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vận chuyển bằng đường biển nhưng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, để có container lạnh chuyển hàng, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí.
“Container lạnh đường biển hiện thiếu trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp phải mua lại container lạnh từ doanh nghiệp khác nên giá tăng gấp đôi, thậm chí 3-4 lần so với giá thực tế (giá thực tế dao động 4-8 triệu một container 20 feet)”, ông Huy nói và cho biết với tình hình này, doanh nghiệp “khó càng thêm khó”.
Thừa nhận container lạnh đang thiếu do lượng cầu tăng gấp đôi, ông Phạm Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho rằng, hoạt động dồn xuất khẩu hàng từ đường bộ sang đường biển đang gây ra tình trạng “buôn bán chợ đen” container lạnh. Việc này đẩy giá container lạnh tăng đột biến. Giá cước vận tải biển cũng tăng cao khiến doanh nghiệp “đau đầu”.
Ông Thành dẫn chứng, nếu trước đây giá cước vận chuyển một container lạnh chỉ 30-40 triệu đồng, nay tăng lên 200 triệu đồng, cộng chi phí vỏ container lạnh tăng cao khiến chi phí xuất hàng của doanh nghiệp tăng nhiều lần. Lợi nhuận vì thế cũng giảm mạnh.
Ông Thành đề nghị các bộ ngành hỗ trợ kết nối các đơn vị cung ứng container tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trái cây Việt Nam thời điểm này.
Đồng tình với đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An cần hợp lực để có kiến nghị chung về việc vận chuyển xuất khẩu hàng hóa qua đường biển. Các bên cần có buổi kết nối với Hiệp hội Logistics TP HCM để có những đàm phán và thoả thuận hỗ trợ cho nông sản Việt xuất khẩu nhanh trong các vụ mùa cao điểm này.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ cho rằng, để phát triển lâu dài, Việt Nam cần mời đội tàu charter lạnh hoặc đông lạnh (tức thuê nguyên chuyến tàu chuyên chở container lạnh hoặc đông lạnh). Mục đích là vừa phục vụ xuất khẩu, vừa phục vụ thị trường nội địa khi cần thiết.
Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý không để xuất hiện tình trạng dính virus Covid-19 trên quả thanh long và các thùng hàng nông sản. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái cây cũng cần kiểm tra kỹ hơn để tránh tình trạng bị trả hàng.
Từ 1/1/2022, Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc có hiệu lực, đòi hỏi các sản phẩm xuất sang thị trường này cần đảm bảo an toàn và chất lượng cao hơn.
Hiện nay, ngoài 300.000 tấn thanh long đang vào vụ thu hoạch, bưởi, mít, chuối, nhãn, dưa hấu của Việt Nam cũng đang tìm đầu ra với số lượng lên tới hàng trăm tấn.
Theo Vnexpress