Giá nông sản trên thị trường thế giới đã biến động mạnh trong tuần này, chủ yếu do thông tin tiêu cực về biến chủng COVID-19 Omicron…
- Giá ngô tăng nhẹ, còn được hỗ trợ bởi thông tin sản lượng ethanol tại Hoa Kỳ đã tăng 1,8%
- Giá đậu tương giảm mạnh, lượng tồn trữ tại Trung Quốc thấp hơn 2,2 triệu tấn với cùng kỳ năm trước
- Giá lúa mì giảm 11,25 cents, neo ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng nhẹ 7 cents lên 5,86 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô). Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 1/2022 lại giảm mạnh 13,75 cents xuống còn 12,52 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). Giá lúa mì giao tháng 3/2022 cũng giảm 11,25 cents xuống mức 8,25 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì).
Tính chung cả tuần giao dịch này (22 – 26/12/2021), giá ngô đã tăng 1,73%, giá đậu tương tăng mạnh 7,9%; ngược lại, giá lúa mì giảm 3,7%.
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá tại Việt Nam, cho biết giống như các thị trường tài chính khác trên toàn cầu, thị trường nông sản trên sàn CBOT đã chịu tác động tiêu cực từ thông tin xuất hiện biến chủng COVID-19 Omicron mang một số đột biến đáng lo ngại và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá có nguy cơ lây lan nhanh, gây bệnh nặng. Giới đầu tư đã bán tháo các hợp đồng tương lai nông sản. Tuy nhiên, giá ngô đã phục hồi mạnh mẽ vào cuối phiên giao dịch nhờ thông tin xuất khẩu ngô hàng tuần của Hoa Kỳ sang trung Quốc tăng vọt trong tuần kết thúc vào ngày 18/11.
Đối với mặt hàng ngô, giá ngô còn được hỗ trợ bởi thông tin cho thấy sản lượng ethanol tại Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 19/11 đã đạt 1,079 triệu thùng/ngày, tăng tới 1,8% so với một tuần trước đó. Mức sản lượng này tương ứng với việc sử dụng 2,78 triệu tấn ngô cho sản xuất ethanol. Thông thường khoảng 40% sản lượng ngô hàng năm tại Hoa Kỳ là được sử dụng cho sản xuất ethanol.
Tại Brazil, Cơ quan cung ứng quốc gia Brazil (CONAB) vừa tăng dự báo sản lượng ethanol được sản xuất từ ngô tại nước này trong niên vụ 2021/2022 lên mức 3,47 tỷ lít, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,36 tỷ lít được đưa ra hồi tháng 8 trước đó. Đồng thời, hãng sản xuất ethanol từ ngô lớn nhất Brazil là FS Bioenergia sẽ đưa vào hoạt động thêm 3 cơ sở sản xuất ethanol nữa trong giai đoạn từ năm 2023 – 2026. Trong đó, riêng nhà máy Primavera của hãng này dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023 có mức sản lượng lên tới 585 triệu lít ethanol/năm. Điều này sẽ gia tăng đáng kể nhu cầu sử dụng ngô trên thị trường nội địa Brazil và có thể làm giảm nguồn cung ngô xuất khẩu của nước này.
Đối với mặt hàng đậu tương, Dữ liệu của Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) cho thấy lượng tồn trữ đậu tương tại nước này hiện chỉ đạt 4,32 triệu tấn, giảm 0,61 triệu tấn so với tháng trước và thấp hơn đến 2,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước. Một số nhà máy nghiền ép dầu phải tạm ngưng hoạt động do thiếu hụt nguyên liệu cho dù đây là thời gian cao điểm sản xuất để chuẩn bị cho vụ tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2022 sắp đến.
Dữ liệu cũng cho thấy tồn kho dầu đậu tương của Trung Quốc hiện chỉ đạt 0,82 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3 năm gần đây (2,37 triệu tấn). Những tín hiệu này cho thấy Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu lượng lớn đậu tương trong thời gian tới. CNGOIC cũng vừa nâng dự báo lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 11 lên 8 triệu tấn và trong tháng 12 lên 9 triệu tấn.
Trong tháng 10 vừa qua, lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 0,77 triệu tấn, tăng mạnh 358% so với hồi tháng 9/2021. Đồng thời, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu đậu tương từ Brazil. Thông thường, Hoa Kỳ sẽ là nước cung cấp đậu tương chủ yếu cho Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 9 – tháng 2 khi Hoa Kỳ bước vào vụ thu hoạch mới, giúp nguồn cung tăng và giá đậu tương của nước này trở nên cạnh tranh hơn so với Brazil.
Đối với mặt hàng lúa mì, giá lúa mì đang neo ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây khi Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, áp mức thuế xuất khẩu lúa mì cao nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Tính từ khi áp dụng thuế xuất khẩu lúa mì hồi tháng 6/2021, mức thuế suất thuế xuất khẩu lúa mì của Nga hiện đã tăng gấp 3 lần, lên tới 78.3 USD/tấn cho tuần từ 24/11 – 30/11/2021.
Trong tuần từ 1/12 – 7/12, mức thuế xuất khẩu lúa mì sẽ lên tới 80,8 USD/tấn. Mức thuế xuất khẩu cao đã khiến lượng lúa mì xuất khẩu của Nga từ đầu niên vụ 2021/2022 đến nay giảm 18% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trong khi đó, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại tỉnh bang British Columbia (Canada) đã khiến việc xuất khẩu lúa mì của Canada bị gián đoạn. Canada hiện là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới. Trong giai đoạn vừa qua, khi giá ngô và đậu tương tăng vọt, một số quốc gia đã khuyến khích tăng cường trộn lúa mì làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, việc khan hiếm nguồn cung và giá lúa mì tăng cao sẽ buộc người nông dân phải gia tăng sử dụng ngô và đậu tương trở lại.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: