Theo hãng tin Bloomberg, giá phân bón tại Châu Âu đang tăng mạnh trở lại khi giá ammonia tại Tây Âu hồi cuối tháng 10 đã lên tới 910 USD/tấn
- Nguồn cung các loại phân đạm tại Châu Âu đã suy giảm nghiêm trọng do giá khí tự nhiên tăng vọt.
- Nga cho biết sẽ giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu nhằm đảm bảo đủ nguồn cung nội địa.
Ammonia là nguyên liệu chính để sản xuất ra các loại phân đạm như Urea, phân Ammonium Nitrate, phân Ammonium Sulphate và phân Ammonium Phosphate. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng phân bón ở mức cao và nhiều nông dân tại Châu Âu đang tăng cường tích trữ nhằm đảm bảo có đủ lượng phân bón cho vụ Xuân 2022.
Trong giai đoạn vừa qua, nguồn cung các loại phân đạm tại Châu Âu đã suy giảm nghiêm trọng khi hàng loạt hãng phân bón lớn như Yara International ASA (Na Uy) và BASF SE (Đức) phải cắt giảm đáng kể hoặc ngưng hoạt động khi giá khí tự nhiên tăng vọt. Khí tự nhiên thường chiếm 80% chi phí sản xuất phân bón và giá khí tự nhiên tại Châu Âu hiện đang ở mức cao hơn 4 – 5 lần so với thông thường.
Không chỉ tại Châu Âu, giá phân bón tại Hoa Kỳ hiện cũng đang quay trở lại mức cao kỷ lục. Chỉ số đo lường giá phân bón tại khu vực Bắc Mỹ hồi đầu tháng 11 đã tăng 0,4% lên 1.017,87 USD/tấn ngắn (907 kg), tiệm cận mức cao kỷ lục được xác lập trong tháng 10 vừa qua.
Giới quan sát cảnh báo tình trạng căng thẳng nguồn cung phân bón, đặc biệt là các dòng phân đạm, trong thời gian tới sẽ trở nên trầm trọng hơn khi Nga vừa cho biết sẽ giới hạn lượng phân đạm xuất khẩu của nước này nhằm đảm bảo đủ nguồn cung phân bón nội địa.
Lượng phân đạm xuất khẩu của nước này sẽ bị hạn chế ở mức 5,9 triệu tấn và lượng phân đạm phức hợp sẽ bị giới hạn tối đa ở mức 5,35 triệu tấn trong vòng 6 tháng kể từ tháng 12 tới đây. Nga hiện là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, chiếm 12,7% tổng lượng phân bón được xuất khẩu trên toàn cầu.
Tờ The Guardian (Anh) cũng vừa cho biết Thổ Nhĩ Kỹ, một trong những quốc gia sản xuất phân bón chủ lực tại Châu Âu, đã ngưng xuất khẩu nhiều lô hàng phân bón.
Về phía nhu cầu sử dụng phân bón, việc giá các loại nông sản chính như ngô, đậu tương, lúa mì tăng vọt trong niên vụ 2020/2021 đã khuyến khích nông dân mở rộng diện tích canh tác tại các khu vực nông nghiệp chính trên toàn cầu, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng phân bón tăng lên. Tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón tăng vọt so với tốc độ gia tăng nguồn cung trong ngắn hạn sẽ tiếp tục đẩy giá phân bón thế giới tăng trong thời gian tới.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: