Giá quặng sắt tăng trở lại sau khi ngân hàng nhà nước Trung Quốc mạnh tay giảm lãi suất 2 lần/tuần trước nguy cơ sập thị trường bất động sản…
Hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho biết giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt nhập khẩu vào khu vực phía Bắc Trung Quốc đã tăng 1,8% trong phiên giao dịch sáng ngày 23/8, lên mức 102,18 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/8, giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) tăng 2,5% lên 705 Nhân dân tệ/tấn (102,81 USD). Đây là những mức giá được dùng tham khảo trong các giao dịch quặng sắt tại Trung Quốc và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu quặng sắt và sản xuất thép thô lớn nhất thế giới.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trở lại sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục giảm lãi suất lần thứ 2 chỉ trong vòng 1 tuần nhằm vực dậy nền kinh tế nước này vốn đang chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản và các đợt phong toả phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, PBoC hạ mạnh lãi suất cơ bản các khoản vay 5 năm thêm 15 điểm phần trăm, xuống còn 4,3%. Lãi suất 5 năm thường được dùng để định giá thế chấp bất động sản tại nước này.
Thị trường kỳ vọng việc hạ lãi suất sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với những người đi vay mua bất động sản tại Trung Quốc, từ đó giúp hoạt động phát triển bất động sản dần phục hồi, kéo theo nhu cầu sử dụng sắt thép tăng lên. Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản thường chiếm tới 40% nhu cầu sử dụng thép hàng năm của nước này.
Bên cạnh việc giảm lãi suất, trong những tuần gần đây, PBoC đã liên tục công bố các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm các khoản vay đặc biệt cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn tài chính và yêu cầu các ngân hàng quốc doanh nước này mở rộng các khoản cho vay. Thị trường cũng ngày càng dự báo PBoC có thể sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và tổ chức tín dụng tại Trung Quốc nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm chi phí tài chính.
Ông Li Daokui, cựu cố vấn của PBoC, nhận định Chính phủ Trung Quốc sẽ cần triển khai nhiều biện pháp kích thích hơn nữa nếu như việc phong toả nhằm kiểm soát dịch Covid-19 vẫn được tiến hành trong thời gian tới.
“Trung Quốc cần áp dụng mọi biện pháp chính sách tiền tệ có thể để tránh tình trạng đổ vỡ dây chuyền trên thị trường bất động sản”, ông Li Daokui cho biết.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: