Tại Trung Quốc, nhu cầu khai thác và sử dụng quặng sắt giảm đã khiến giá quặng giảm liên tiếp 4 tuần, đến nay mới đang dần được khôi phục…
- Giá quặng sắt trên sàn DCE có xu hướng phục hồi trở lại sau 4 tuần giảm liên tiếp.
- Hãng khai thác quặng Rio Tinto đã giảm dự báo lượng xuất khẩu quặng sắt của cả năm 2021 do thiếu hụt lao động.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng chứa 62% sắt được nhập khẩu vào khu vực phía Bắc Trung Quốc đã giảm nhẹ 0,2% trong phiên giao dịch ngày 19/10, xuống còn 124,04 USD/tấn.
Trong khi đó, chốt phiên giao dịch ngày 19/10 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE) tăng 0,1% lên mức 707 Nhân dân tệ (tương đương 110,37 USD)/tấn.
Giá quặng sắt trên sàn DCE có xu hướng phục hồi trở lại sau 4 tuần giảm liên tiếp trong bối cảnh lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu từ các nhà cung cấp chính đã giảm 1,6%. Cụ thể, hãng tư vấn thị trường Mysteel (Trung Quốc) cho biết lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu từ Australia và Brazil trong tuần trước chỉ đạt 23,54 triệu tấn, giảm 589.000 tấn so với một tuần trước đó.
Trong ngày 19/10, tập đoàn khai thác quặng sắt lớn thứ 3 thế giới BHP Group cho biết sản lượng khai thác trong quý 3/2021 đã giảm gần 5% do tình trạng bảo trì diễn ra tại khu mỏ Jimblebar (Australia) và thiếu hụt nhân công vận hành do các biện pháp hạn chế di chuyển, phòng chống dịch Covid-19 của các bang tại Australia. Tuy nhiên, BHP Group hiện vẫn giữ nguyên dự báo tổng sản lượng khai thác quặng sắt của cả năm nay.
Trong tuần trước, hãng khai thác quặng sắt lớn thứ 2 thế giới Rio Tinto đã giảm dự báo lượng xuất khẩu quặng sắt của cả năm 2021 do thiếu hụt lao động. Theo đó, lượng quặng sắt được xuất đi từ khu mỏ Pilbara (Australia) trong năm nay được Rio Tinto dự báo sẽ chỉ đạt từ 320 triệu tấn đến 325 triệu tấn, thấp hơn mức dự báo 325 triệu tấn đến 340 triệu tấn trước đây. Khu mỏ Pilbara là nơi khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới, chiếm 39% tổng nguồn cung quặng sắt toàn cầu.
Thị trường quặng sắt hiện tiếp tục theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc cùng với đó là các hành động của Chính phủ Trung Quốc trong việc giảm ô nhiễm không khí từ lĩnh vực sản xuất thép.
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: