Giá ngô, đậu tương và lúa mì tiếp tục neo ở mức cao so với mức giá trung bình trong các năm gần đây và đang có xu hướng tăng mạnh trở lại…
Giá ngô giao tháng 3/2022 tại Sở giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) hiện đạt 588,2 cents/giạ (25,4 kg/giạ ngô), giảm 9,5% so với mức giá cao kỷ lục hồi tháng đầu tháng 6/2021. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn tới 35% so với hồi đầu năm 2021.
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết nguồn cung ngô thế giới đã trải qua cú sốc nghiêm trọng giữa năm nay khi vụ ngô Safrinha (mùa vụ thứ 2 trong năm) của Brazil bị hạn hán và sương giá bất thường tấn công, gây thiệt hại nặng. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng ngô của Trung Quốc ở mức cao khi đàn lợn của nước này gần như được phục hồi sau đợt Dịch tả lợn Châu Phi cuối năm 2018. Điều này đã đẩy giá ngô toàn cầu chạm mức cao kỷ lục.
Hiện nay đà tăng nóng của giá ngô đã phần nào được kìm hãm khi Hoa Kỳ, nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, bước vào vụ thu hoạch chính của niên vụ 2021/2022 với sản lượng ngô ước đạt 382,59 triệu tấn, tăng 6,7% so với niên vụ trước.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định giá ngô đang có xu hướng tăng mạnh trở lại khi giá dầu thô trên thế giới tăng vọt, kích thích nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học. Thông thường, khoảng 40% sản lượng ngô hàng năm tại Hoa Kỳ được sử dụng để sản xuất ethanol. Dữ liệu của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy sản lượng ethanol tại nước này trong những tháng gần đây liên tục tăng vọt, lên tới trên 1 triệu thùng/ngày – cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Việc giá các loại năng lượng, đặc biệt là dầu thô, tăng cao cũng thúc đẩy việc sử dụng ngô để sản xuất ethanol tại Brazil. Điều này sẽ khiến nguồn cung ngô xuất khẩu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ và Brazil giảm xuống trong thời gian tới.
Đối với đậu tương, Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết giá đậu tương cũng đang có xu hướng tăng trở lại trong ngắn hạn khi Trung Quốc bắt đầu bước vào mùa nghiền ép dầu đậu tương cao điểm để phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, các nhà máy nghiền ép dầu đậu tương tại nước này cũng gia tăng hoạt động để bù lại phần sản lượng bị mất hồi tháng 9 vừa qua khi Trung Quốc cắt điện diện rộng kéo dài. Giá đậu tương giao tháng 1/2022 trên sàn CBOT hiện đạt 1.274,2 cents/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương).
Dữ liệu của Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu quốc gia Trung Quốc (CNGOIC) cho thấy lượng tồn trữ đậu tương tại nước này liên tục giảm thấp trong những tuần gần đây; thậm chí, một số nhà máy nghiền ép dầu phải tạm ngưng hoạt động do thiếu hụt nguyên liệu. Những tín hiệu này cho thấy Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu lượng lớn đậu tương trong thời gian tới. CNGOIC cũng vừa nâng dự báo lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 11 lên 8 triệu tấn.
Việc Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, quay trở lại thu mua lượng lớn đậu tương trong thời gian ngắn gần như chắc chắn đẩy giá đậu tương quốc tế tăng lên. Điều này còn chưa tính đến xu hướng tăng cường sử dụng dầu đậu tương để pha trộng trong nhiên liệu sinh học tại Hoa Kỳ. Trong năm 2019, dầu đậu tương chiếm đến 57% tổng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xăng sinh học tại Hoa Kỳ.
Trong khi đó, giá lúa mì đang hướng đến mức cao kỷ lục trong vòng 8 năm trở lại đây khi Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, áp mức thuế xuất khẩu lúa mì cao nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Tính từ khi áp dụng thuế xuất khẩu lúa mì hồi tháng 6/2021, mức thuế suất thuế xuất khẩu lúa mì của Nga hiện đã tăng gấp 3 lần, lên tới 78.3 USD/tấn cho tuần từ 24/11 – 30/11/2021. Điều này đã khiến lượng lúa mì xuất khẩu của Nga từ đầu niên vụ 2021/2022 đến nay giảm 18% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường nông sản thế giới tại đây.
Trong khi đó, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại tỉnh bang British Columbia (Canada) đã khiến việc xuất khẩu lúa mì của Canada bị gián đoạn. Canada hiện là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới. Trong giai đoạn vừa qua, khi giá ngô và đậu tương tăng vọt, một số quốc gia đã khuyến khích tăng cường trộn lúa mì làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, việc khan hiếm nguồn cung và giá lúa mì tăng cao sẽ buộc người nông dân phải gia tăng sử dụng ngô và đậu tương trở lại.
Giá các mặt hàng trên tăng cao đã tác động đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và người nông dân trên toàn cầu. Đối với Việt Nam, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu do đó việc giá quốc tế tăng mạnh đang gây áp lực chi phí lớn lên các doanh nghiệp. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng ngô, đậu tương và lúa mì được Việt Nam nhập khẩu đã giảm 14,7% nhưng kim ngạch nhập khẩu lại tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá ngô và đậu tương tăng vọt.
Dữ liệu của Công ty Cổ phần Saigon Futures cho thấy giá ngô xuất cảng tại Brazil và Argentina, hai quốc gia cung ứng ngô lớn nhất cho Việt Nam, đã tăng vọt kể từ hồi tháng 5/2020 đến nay. Giá xuất khẩu ngô FOB tại các cảng của Argentina đã tăng từ 139,75 USD/tấn vào ngày 21/5/2020 lên 251,5 USD/tấn hiện nay (tăng 80%). Giá nhập cảng CIF tại một số cảng Việt Nam hiện neo ở mức 316 USD/tấn.
Một số chuyên gia cho biết các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia giao dịch các mặt hàng ngô, đậu tương và lúa mì tương lai thông qua Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam để chủ động phòng trách các rủi ro biến động giá cũng như xác định giá của hàng hoá trên thị trường quốc tế. Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia duy nhất hiện nay tại Việt Nam và có giao dịch liên thông với Sở giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT).
Theo Tạp chí Công Thương
Bài đọc thêm: