Thúc đẩy tiêu dùng nội địa và nêu cao vai trò của địa phương sẽ là giải pháp căn có để giải quyết “bài toán” ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu.
Việc ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc đã được Bộ Công Thương dự báo từ trước, căn cứ vào tình trạng dịch bệnh của nước ta và Trung Quốc, cũng như thực tế sản xuất và thu hoạch nông sản của Việt Nam dịp gần Tết. Trước đó, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản, khuyến cáo gửi đến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để cùng phối hợp triển khai biện pháp tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh.
Vậy, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã thực hiện những giải pháp nào để xử lý tình hình, thưa ông?
Mặc dù vậy, bước vào tháng 12/2021, do dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, phía Trung Quốc tăng cường thêm biện pháp quản lý khiến năng lực thông quan tại các cửa khẩu giảm mạnh và không đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa tăng cao từ cả hai phía. Tuy Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản khuyến cáo, nhưng do Việt Nam vào chính vụ thu hoạch một số nông sản xuất khẩu, lượng nông sản đưa lên khu vực biên giới phía Bắc vẫn rất lớn, dẫn đến phát sinh tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại nhiều cửa khẩu biên giới, đặc biệt tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Ngay sau khi nhận được Văn bản số 9249/VPCP-KTTH của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công Thương đã lập tức triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể, đối với các địa phương, tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương tiếp tục khuyến cáo chuyển đổi xuất khẩu sang chính ngạch. Bên cạnh đó, tăng cường nắm thông tin tình hình tại cửa khẩu để có giải pháp chủ động điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu, đặc biệt trong dịp Trung Quốc nghỉ lễ, tết. Đối với các địa phương khu vực biên giới, tiếp tục thực hiện các giải pháp mà Bộ đã từng trao đổi trước đây là tăng cường trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc để tăng thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua khu vực cửa khẩu. Đặc biệt, đề nghị các địa phương biên giới chỉ đạo cơ quan chức năng tạo thuận lợi nhất cho hàng nông sản, hoa quả xuất khẩu.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công hàm gửi Lào, Campuchia, Thái Lan đề nghị phía bạn không đưa hàng quá cảnh sang Việt Nam trong bối cảnh các cửa khẩu tại Việt Nam đang bị ùn ứ như hiện nay để giảm thiệt hại cho phía bạn.
Thời gian qua, nhiều loại nông sản của nước ta đã xuất khẩu thành công sang Trung Quốc theo đường biển. Theo ông, đây có phải là phương thức nên được doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn để giảm rủi ro?
Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, thời gian qua, mặt hàng thủy sản đã được vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường biển rất hiệu quả, tránh được rất nhiều rủi ro như khi đi qua đường bộ. Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nên lựa chọn vận tải theo những phương thức khác nhau, có thể đi bằng đường biển, đường sắt để giảm rủi ro trong xuất khẩu.
Thị trường nội địa được đánh giá là rất tiềm năng trong tiêu thụ nông sản, tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa quan tâm khai thác so với xuất khẩu. Ông nhận định gì về vấn đề này?
Đối với việc thúc đẩy tiêu thụ trong nước, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương có vùng trồng phải chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động tiêu thụ nội địa. Qua các hoạt động này, sẽ góp phần giảm hàng hóa đưa lên cửa khẩu.
Vai trò của địa phương trong hoạt động này rất quan trọng. Thực tế tiêu thụ nông sản trong đợt dịch vừa qua cho thấy, với những địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La, dù thu hoạch đúng vào mùa dịch nhưng nếu đã xây dựng kịch bản chương trình ngay từ đầu mùa vụ, việc tiêu thụ hết nông sản không khó. Trong đó, thị trường nội địa tiêu thụ rất tốt.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công Thương