Nhà máy điện rác là xu hướng thế giới và Hà Nội đã xây được, Hải Phòng thì rục rịch, còn Quảng Ninh thì đã lọt vào mắt xanh của ai chưa…
Tính trung bình, mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, chủ yếu được xử lý ở hai khu xử lý rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (trên 5.000 tấn/ngày) và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (khoảng 1.300 tấn/ngày). Công nghệ chủ yếu là chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt không phát điện chiếm tỷ lệ nhỏ.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn có tổng công suất xử lý được 5.000 tấn rác/ngày; giải quyết được từ 60-70% lượng rác đang chôn lấp của TP Hà Nội hiện nay.
Nhà máy đi vào hoạt động là lời giải cho bài toán xử lý rác của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước khi mà các bãi chôn lấp rác đã gần đầy và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, tổng đầu tư 7.000 tỉ đồng.
Đây được xem là nhà máy đốt rác lớn nhất Việt Nam với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương gần 5.500 tấn rác ướt mỗi ngày. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý, Tổng thầu MCC (Trung Quốc).
Hải Phòng đề xuất xây dựng nhà máy điện rác
UBND TP Hải Phòng mới đây cũng đã có Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải với trọng tâm là xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày.
Nhà máy đốt rác phát điện này dự kiến được xây dựng tại Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ (quận Hải An). Nhà máy được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày với tổng mức đầu tư 2.498 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Sau năm 2028, dây chuyền thứ 2 của Nhà máy cùng Nhà máy đốt rác phát điện thứ 2 có thể được xây dựng tại Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) để có thể xử lý được 4.000 tấn rác/ngày.
Theo tính toán của Hải Phòng, từ nay đến 2025, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 1.700 tấn rác/ngày. Giai đoạn 2026 – 2027 lượng rác thải phát sinh khảng 2.600 tấn rác/ngày. Giai đoạn 2028 – 2030, lượng rác thải trên địa bàn Hải Phòng phát sinh khoảng 3.600 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, Hải Phòng hiện chỉ có 2 khu xử lý chất thải sinh hoạt với công suất xử lý từ 850 – 1.100 tấn rác thải/ngày. Lượng rác thải sinh hoạt của hầu khắp các huyện ngoại thành vẫn được xử lý tại các bãi chôn lấp rác tạm, lò đốt quy mô nhỏ. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đang đặt ra những thử thách cho Hải Phòng.
Trong khi đó, việc xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt được xác định có những lợi thế như tỷ lệ chất thải sau khi đốt thấp, tiết kiệm quỹ đất sử dụng, có nguồn thu bù vào chi phí xử lý rác… Từ những đánh giá này, UBND TP Hải Phòng đề xuất lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt.
Theo đề án, đến 2025, Nhà máy điện rác Đình Vũ (giai đoạn 1) có công suất xử lý 1.000 tấn rác thải/ngày có thể sẽ được đầu tư, đi vào hoạt động.
Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2050, các nhà máy điện rác cũng như công nghệ xử lý chất thải rắn sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không xử lý chất thải rắn bằng công nghệ chôn lấp.
Hà Lan muốn làm dự án biến rác thải thành điện năng tại Quảng Ninh
Về phía Quảng Ninh, hiện tỉnh vẫn chưa có dự án nhà máy điện rác nào. Rác thải tại Hạ Long, Cẩm Phả và các địa phương khác vẫn đang được xử lý tại các bãi chôn lấp rác tạm hoặc lò đốt quy mô nhỏ.
Vào tháng 12/2021, Công ty StratCap International Pte Ltd (StratCap) – một Công ty của Hà Lan đã có thư ngỏ gửi đến ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ sự quan tâm tới việc thực hiện dự án biến rác thải thành điện năng để xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại Quảng Ninh.
Trong thư, ông Wieger D. Otter – Tổng Giám đốc Công ty StratCap viết: “Chứng kiến những thách thức mà các thành phố đang phải đối mặt liên quan đến hệ thống xử lý rác thải, Công ty StratCap rất mong muốn có thể góp sức với chính quyền địa phương bằng việc ứng dụng công nghệ và kỹ năng quản lý của thành phố Amsterdam cũng như đầu tư vào dự án biển rác thải thành điện năng”.
Sau khi thăm và nghiên cứu mặt bằng Trung tâm Xử lý chất thải rắn (của Tập đoàn Indevco tại Hạ Long) và được biết về những thách thức trong khâu thực hiện dự án, Tổng Giám đốc StratCap khẳng định “tự tin có thể mang công nghệ châu Âu từ Công ty Năng lượng Amsterdam để giải quyết vấn đề và biến 750 tấn rác thải một ngày thành 17 MW theo cách trung tính cacbon đồng thời vẫn tuân thủ tốt các tiêu chuẩn khí thải môi trường Châu Âu”.
Công ty này còn cam kết sẽ giảm thiểu tỷ lệ rác chôn lấp và giảm việc gây hại cho môi trường tại khu vực dự án.
Do đó, StratCap mong muốn có cơ hội thảo luận với chính quyền địa phương cũng như nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Quảng Ninh. Công ty hy vọng được chuyển nhượng rác thải để có thể được phép thực hiện dự án nhà máy điện rác cũng như có thể thảo luận với đơn vị có thẩm quyền tại địa phương về việc lấy lại khu đất nói trên.
Bằng đường công văn, Tổng Giám đốc Công ty StratCap tha thiết cho biết “rất mong đợi có thể gặp mặt trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để trao đổi về cách mà Công ty có thể hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh trong việc giải quyết các khó khăn hiện tại liên quan đến vấn đề xử lý rác thải”.
Song, hiện chưa rõ “lời ngỏ” tốt đẹp này của doanh nghiệp Hà Lan đã được tỉnh Quảng Ninh hồi đáp như thế nào?
Theo Báo NNVN
Bài đọc thêm:
- Hơn 1/3 làng nghề Hà Nội đã trở nên mai một, thậm chí thất truyền
- Bắt quả tang đối tượng sản xuất và bán thuốc bảo vệ thực vật giả
- Ô nhiễm trầm trọng và thực trạng xuống cấp ở cảng cá tại Nghệ An
- Lập hội nông dân sản xuất phân bón hữu cơ tại thủ phủ hồ tiêu
- Agenda hội nghị FIATA World Congress 2022 tại Busan, Hàn Quốc