Là trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc, nhưng Hải Phòng đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thiếu nguồn nhân sự chất lượng cao trong tương lai
Theo Sách trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) dự báo, đến 2025 Hải Phòng (trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc) sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; năm 2030 con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố, chỉ có Đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo cử nhân chuyên ngành logistics. Với năng lực khoảng 300 sinh viên/năm và khoảng 1.000 sinh viên các chuyên ngành liên quan như Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thủy, Kinh tế Ngoại thương – Tình trạng thiếu nhân lực logistics tại Hải Phòng sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Trung tâm Đào tạo Logistics Tiểu vùng Mekong – Nhật Bản tại Việt Nam cũng có khóa đào tạo ngắn hạn, có cấp chứng chỉ trong nhiều lĩnh vực logistics, nhưng số lượng học viên được đào tạo và trình độ sau đào tạo, vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực này tại Hải Phòng.
Ở góc quan sát rộng hơn, cũng theo thông tin từ VLA. Dự báo, giai đoạn 2018 – 2030, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ logistics trên cả nước cần khoảng 1,6 triệu nhân lực chuyên ngành logistics, nhu cầu lao động logistics cần đào tạo trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng ở mức gần 600.000 người.
Đến năm 2030, cả nước cần tới 2,2 triệu nhân lực logistics. Tuy nhiên, hiện tại nguồn đào tạo nhân lực logistics của Việt Nam rất hạn chế, cả nước mới chỉ có khoảng 30 trường đại học tuyển sinh chuyên ngành hoặc ngành liên quan logistics, với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 3000 người/năm. Hệ cao đẳng có các chương trình đào tạo logistics và ngành liên quan logistics cũng có khoảng 32 trường, đào tạo từ 800 – 1.000 học viên/năm.
Ngành dịch vụ logistics dự báo sẽ tăng trưởng từ 20 – 25% / năm. Tuy nhiên, với thực trạng như trên, nếu không có điều chỉnh nhằm thu hút lao động, cùng kế hoạch đào tạo và chiến lược phát triển dài hạn. Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, sẽ tiếp tục điệp khúc thiếu cả về chất lượng và số lượng, luôn chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu của ngành. Đây là điệp khúc được nhắc đến ở tất cả các diễn đàn, các hội nghị kinh tế liên quan đến logistics suốt hàng chục năm – nhưng đến nay vẫn chưa hề có biến chuyển tích cực.
Khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM về chất lượng nhân lực logistics cho thấy: 53,3% DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.
Một nhân sự đủ tiêu chuẩn trong ngành logistics phải là người có kiến thức rất tổng hợp, hiểu về hoạt động logistics tại Việt Nam và thế giới, nắm vững chuyên môn về thủ tục hải quan, thuế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, bảo quản hàng hóa; thông thạo ngoại ngữ, giao tiếp, có nghiệp vụ giao nhận vận tải quốc tế, vận tải đa phương thức, đường bộ, đường biển, đường hàng không…
Với tiêu chuẩn như vậy, có thể thấy rằng ngay cả mục tiêu đào tạo nhân lực chỉ ở mức đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng lao động, phục vụ ngành logistics Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, đến nay vẫn còn khá xa vời – những kỳ vọng về một nguồn nhân lực logistics Việt Nam “chất lượng cao”, được nhắc đến trong nhiều hội nghị kinh tế vào thời điểm này là rất thiếu thực tế.
Bài đọc thêm: