Các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Quảng Ninh không ngừng hiện đại hóa, vươn xa về xuất khẩu, trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu.
- Hiệp định EVFTA hỗ trợ Quảng Ninh hướng thành trung tâm chế biến và logistics
- Quảng Ninh không ngừng đầu tư và đổi mới công nghệ.
Đưa Quảng Ninh thành trung tâm chế biến và logistics
Mục lục
ToggleQuảng Ninh hiện có 9 nhà máy chế biến thủy sản, công suất cấp đông 100 tấn/ngày, công suất kho lạnh 6.700 tấn, công suất hầm đông đạt 200 tấn/ngày. Tổng công suất sản phẩm đạt khoảng 7.500 tấn/năm, trong đó nhu cầu nguyên liệu từ 10.000 – 12.000 tấn/năm.
Tính đến năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đạt 93,6 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu nguyên liệu đạt 50 triệu USD; sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu đạt 25 triệu USD/năm, bình quân tăng trưởng 4,1%/năm, đa số là sản phẩm chế biến đông lạnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đáng chú ý, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo điều kiện thuận lợi khi thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản giảm mạnh. Hiện tại, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung sang EU được hưởng mức thuế GSP (hệ thống ưu đãi phổ cập) từ 4,2 – 7%.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực không được hưởng GSP của EU. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung xuất khẩu sang thị trường EU.
Để tối ưu hóa lợi thế trên, việc phát triển cơ sở chế biến gắn với khu công nghiệp, theo chuỗi liên kết chuỗi từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu luôn được Quảng Ninh quan tâm đầu tư.
Trong đó, ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng, chú trọng nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thủy sản nhằm đa dạng hóa chế biến và thị trường tiêu thụ, phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường.
Việc xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm chế biến và logistics của vùng ĐBSH và cả nước là rất cấp thiết. Hệ thống cơ sở hạ tầng kho lạnh, chợ cá, cảng cá đồng bộ, hiện đại sẽ giúp vận chuyển, lưu kho các sản phẩm thủy sản (tươi sống, sơ chế và chế biến) sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác bằng cả đường không, đường bộ và đường biển.
Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, quy mô sản xuất, mỗi doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay đều có lộ trình ứng dụng các công nghệ tự động hóa vào từng khâu sản xuất, nhằm rút bớt lao động giản đơn, lao động phổ thông ra khỏi ngành; giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ
Tỉnh Quảng Ninh có 175 cơ sở sơ chế, chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa. Hầu hết các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, chả mực, thuỷ sản khô, ruốc hàu, ruốc cơ trai, hàu sữa chưng thịt… là các sản phẩm có giá trị, thương hiệu, tham gia chương trình sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đến nay, 100% các cơ sở chế biến thuỷ sản trên địa bàn đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP.
Với mong muốn đưa các sản phẩm từ thủy sản của Quảng Ninh vươn xa đến thị trường quốc tế, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Năm 2014, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (BAVABI) chính thức thành lập. Đơn vị đã mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất trên diện tích 400m2 tại xã Đông Xá (Vân Đồn) với dây chuyền máy móc hiện đại để chế biến thủy sản thô trở thành những sản phẩm mang thương hiệu riêng của huyện đảo như tinh hàu, ruốc hàu, ruốc cơ trai, ruốc bề bề…
Mỗi sản phẩm của BAVABI đều được chọn lọc từ các nguồn nguyên liệu vùng biển Bái Tử Long, qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, sáng tạo nhằm đưa hương vị truyền thống của Việt Nam vào sản phẩm, giám sát chặt chẽ trong từng công đoạn sản xuất để sản phẩm không chỉ an toàn mà còn thật sự trở thành tinh hoa ẩm thực biển.
Thời gian qua, Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền rửa, vệ sinh, đóng lọ tự động, khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối, thay thế cho phương pháp thủ công trước đây nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Công ty cũng thường xuyên thay đổi bao bì, đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng. Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Nhiều sản phẩm đã phân phối vào hệ thống các siêu thị lớn trong nước. Một số sản phẩm cũng đang được ký hợp đồng với các đối tác cung cấp, tiêu thụ ra thị trường nước ngoài.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty BAVABI cho biết, thông qua các khóa đào tạo, hướng dẫn áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng do tỉnh tổ chức, Công ty đã thay đổi hệ thống cơ sở vật chất để đáp ứng tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP.
Các công cụ này đã giúp Công ty giám sát toàn bộ quá trình chế biến thực phẩm, từ khâu sản xuất nguyên liệu đến khâu đóng gói, bảo quản và mang đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đến nay, các công đoạn, quy trình sản xuất sản phẩm của Công ty đã chặt chẽ hơn, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh ATTP; công tác quản lý, vận hành nhà xưởng hợp lý. Qua đó cho thấy hiệu quả rõ rệt trong điều hành, sản xuất, kinh doanh, cũng như nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cũng theo bà Hiền, khoa học công nghệ là yếu tố then chốt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Sắp tới, BAVABI sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng một số công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại, cũng như các công cụ quản lý tiên tiến vào hoạt động để đưa sản phẩm chinh phục những thị trường có tiêu chuẩn cao về vệ sinh ATTP.
Tự tin chinh phục thị trường quốc tế
Ông Nguyễn Ngọc Ấm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản BNA Ba Chẽ cho biết, Quảng Ninh có nhiều lợi thế quan trọng phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững. Toàn tỉnh hiện có nhiều đơn vị chú trọng đầu tư về con giống, quy trình kiểm soát nuôi trồng chặt chẽ, chất lượng nguồn thủy sản nguyên liệu được đánh giá cao so với địa phương khác.
Vì thế, Công ty BNA Ba Chẽ đã lựa chọn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, trong đó chú trọng phát triển liên kết sản xuất nhằm kết nối các đơn vị nuôi trồng, giải quyết bài toán đầu ra cho thủy sản Quảng Ninh, tạo chuỗi sản xuất sản phẩm thủy sản chất lượng để cung ứng cho thị trường.
Đây là nhà máy chế biến thuỷ sản hàng đầu khu vực phía Bắc được Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chứng nhận điều kiện cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP.
Đầu năm 2020, nhà máy đi vào sản xuất các nhóm sản phẩm tươi đông lạnh, sản phẩm hấp đông lạnh, sản phẩm ướp muối, sản phẩm sống… Các sản phẩm đều được kiểm soát chất lượng tối đa ngay từ khi lựa chọn nguyên liệu đầu vào tới thành phẩm đầu ra, thực hiện kiểm nghiệm tại các công đoạn sản xuất, đảm bảo giá trị cao nhất trước khi cung cấp cho thị trường, không những đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở thị trường nội địa, mà còn tự tin mang giá trị sản phẩm thủy sản Việt chinh phục những thị trường khó tính và giàu tiềm năng như các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Ông Nguyễn Ngọc Ấm cho biết thêm, thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư dự án viện nghiên cứu giống hàu và nhà máy sản xuất các sản phẩm từ hàu tại Vân Đồn, giai đoạn 2022 – 2025. Đồng thời, mở rộng hệ thống nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng cao tại Cụm Công nghiệp Nam Sơn giai đoạn 2025 – 2030. Song song với xuất khẩu, Công ty bắt đầu khai thác thị trường nội địa thông qua chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm.
Theo đánh giá, năng lực cấp đông của các đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt 380 tấn/ngày, gồm các thiết bị như tủ đông gió, tủ đông tiếp xúc IQF và hầm đông gió. Năng lực bảo quản lạnh đạt 11.700 tấn. Nguyên liệu thủy sản sản xuất đưa vào các nhà máy chế biến chiếm khoảng 25%, còn lại được tiêu dùng trực tiếp hoặc tiêu thụ dưới dạng tươi sống.
Theo VASEP
Bài đọc thêm