Hội nghị thứ 26 về biến đổi khí hậu (COP26) chính thức khai mạc ở Glasgow (Vương quốc Anh) đã đăt ra nhiều mục tiêu về cắt giảm khí thải…
- Lĩnh vực tài chính khí hậu dự kiến trở thành một trong những vấn đề gai góc nhất ở COP26
- Thiên tai và thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu tăng gấp 5 lần so với 50 năm trước
Theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc và giới khoa học, nếu các chính phủ trên thế giới không hành động quyết liệt nhằm cắt giảm mức khí thải ngay lập tức, phần lớn Trái Đất sẽ hứng chịu thảm họa khí hậu trong tương lai không xa. Tình trạng nước biển dâng, sóng nhiệt kéo dài và nghiêm trọng, ngày càng nhiều giống loài tuyệt chủng là hậu quả rõ rệt vài năm qua.
Chính vì thế, Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu được kỳ vọng đạt bước tiến cho quy định mua bán phát thải carbon và tương lai thoát ly than đá.
6 năm trước, gần như mọi quốc gia trên thế giới đã đặt bút ký vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cam kết giảm khí thải nhà kính với những lộ trình riêng. Dù vậy, khí thải gây nóng lên toàn cầu vẫn tăng nhanh hơn dự kiến, đạt mức kỷ lục trong năm nay bất chấp đợt giảm ngắn ngủi trong năm 2020 vì đại dịch.
Hiệp định Paris đặt mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp
Biến đổi khí hậu đang gây nên những thiên tai, thảm họa chưa từng có tiền lệ trên khắp thế giới. Thế giới đã nóng lên 1,1°C và tiến nhanh đến giới hạn báo động đỏ. Đánh giá vừa qua của Liên Hợp Quốc dự đoán mức tăng nhiệt độ sẽ vượt mốc 1,5°C trong hai thập kỷ tới.
Tại COP26, lần đầu tiên từ sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước phải đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải họ từng đặt ra. Hơn 100 thành viên đã đề xuất mục tiêu mới, được gọi là mức đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), nhưng các chuyên gia không còn lạc quan như trước. Họ cho rằng những NDC mới vẫn không đủ sức ngăn chặn cơn ác mộng nóng lên toàn cầu vượt tầm kiểm soát.
Có 4 vấn đề chính tại COP26 được giới quan sát, các nhà đàm phán và công chúng đặc biệt quan tâm gồm: Hỗ trợ tài chính khí hậu, thị trường mua bán phát thải carbon, than đá và khí methane.
Theo một số chuyên gia, lĩnh vực tài chính khí hậu dự kiến trở thành một trong những vấn đề gai góc nhất ở COP26.
Những con số “biết nói”
Trong bối cảnh thiên tai và thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu tăng gấp 5 lần so với 50 năm trước, thế giới đã phải chứng kiến nhiều đợt thiên tai liên tiếp do biến đổi khí hậu gây ra. Đợt sương giá muộn vào tháng 4 vừa qua đã tàn phá nghề trồng nho của Pháp. Những cơn mưa xối xả nhấn chìm nhiều vùng của Đức và Bỉ vào tháng 7. Trong suốt mùa hè vừa qua, các vụ cháy rừng kỷ lục ở miền Tây nước Mỹ, Siberia của Nga và vành đai Địa Trung Hải gần như biến mọi thứ thành tro bụi.
Siêu bão Ida hoành hành từ Louisiana đến Mississippi, sang tận bờ Đông nước Mỹ vào tháng 9 và theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), siêu bão này thậm chí có thể soán ngôi siêu bão Katrina từng gây thiệt hại 163 tỷ USD cho nước Mỹ. WMO cũng cho biết, từ năm 1970 – 2019, hơn 11.000 thảm họa khí hậu được ghi nhận, tức trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày có một thảm họa.
Các thảm họa trên đã cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người và gây thiệt hại vật chất lên đến 3.640 tỷ USD. Hơn 91% trường hợp tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển. Hạn hán là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn nhất về nhân mạng, tiếp theo là dông bão, lũ lụt và nhiệt độ khắc nghiệt. Giới chuyên gia khẳng định, việc gia tăng các thảm họa này có liên quan đến sự nóng lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính mà nguồn gốc từ con người gây ra.
Cùng với sự tham gia của các nhà khoa học, sự vào cuộc của các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài chính, công nghiệp và lãnh đạo các nước rất quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Bà Lola Vallejo, Giám đốc chương trình khí hậu tại Viện Nghiên cứu phát triển bền vững và quan hệ quốc tế (IDDRI), nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ cần phải xem xét những gì các quốc gia đã đặt ra và thực hiện được kể từ khi có Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thống nhất những gì cần hướng tới để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu”.
Tập trung hành động
Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận các nội dung chính gồm: Giải pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21; Đảm bảo duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5oC trong giai đoạn công nghiệp hóa; Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; Đảm bảo quỹ tài chính về biến đổi khí hậu; Lên kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu cũng như thảo luận những khả năng hợp tác về đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi các chi phí lớn cho chuyển đổi sản xuất, phát triển, triển khai công nghệ mới và chuyển đổi cơ cấu xã hội. Để hỗ trợ các nước đang phát triển năng lực thích ứng, Quỹ toàn cầu về biến đổi khí hậu được lập ra. Theo Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2009, các nước phát triển đã nhất trí huy động 100 tỷ USD hàng năm từ năm 2020. Lần này, các bên sẽ cùng thảo luận để xem xét lại cơ chế và các kế hoạch mới giai đoạn đến năm 2025.
Hơn thế, để đạt được mục tiêu giảm thiểu và trung hòa khí thải carbon, các chính phủ cần phải thay đổi cơ bản cách thức điều hành mọi mặt kinh tế – xã hội và sinh hoạt cuộc sống. Cũng giống như nhiều chính phủ thời gian qua đã ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng nguồn lực tài chính chưa từng có, cuộc khủng hoảng môi trường cũng đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó khẩn cấp. Tiến trình này sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí ở hiện tại nhưng sẽ mang lại những lợi ích lâu dài, bền vững như việc làm, giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện điều kiện sống và đặc biệt là sức khỏe của người dân.
Theo www.moit.gov.vn
Bài đọc thêm: