Hợp tác xã người khuyết tật sống ổn nhờ cây dược liệu hữu cơ

Kiên trì trồng cây dược liệu chuẩn hữu cơ và trực tiếp chế biến, người khuyết tật của HTX Tâm Ngọc nhờ thế mà đã có cuộc sống ổn định…

Dáng người nhỏ bé, khuyết tật vận động (teo cơ chân), mỗi khi di chuyển, chị Trần Thị Thuần đều cần phải có thêm chiếc gậy gỗ hỗ trợ. Nhưng ẩn sau vóc dáng nhỏ bé đó là một nghị lực phi thường của người phụ nữ vừa lo chu toàn việc nhà, vừa giúp đỡ được nhiều mảnh đời éo le.

Thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của những người khuyết tật trong quá trình sinh hoạt, hoà nhập với cộng đồng, chị Thuần đã nung nấu ý định thành lập một cơ sở giúp người khuyết tật đến với lao động – sản xuất, tìm được niềm vui trong cuộc sống.

Sống tốt nhờ trồng, chế biến thảo dược

Năm 2019, HTX Tâm Ngọc được thành lập tại thôn Bến, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Từ 7 thành viên ban đầu, tới nay, HTX đã có 41 thành viên, trong đó có 36 người khuyết tật, đa phần là người ở huyện Sóc Sơn.

Tới thăm HTX, chúng tôi được tận mắt chứng kiến các thành viên HTX dành rất nhiều tâm sức để trồng cây dược liệu, cây ăn quả trên diện tích 13ha, tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường, mang lại sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Chị Thuần cho biết, thời gian đầu là giai đoạn khó khăn nhất. Lúc ấy không có vốn, sản phẩm làm ra ít người biết đến.

“Trong xã hội vẫn có những định kiến rằng người khuyết tật chỉ là những “cây tầm gửi” không thể mưu sinh mà phải sống dựa vào người thân. Lòng tin dành cho họ còn nhiều hạn chế. Do đó, việc vay vốn để phát triển HTX gặp nhiều khó khăn”, chị trải lòng.

Nỗ lực vượt mọi khó khăn, chị Thuần quyết định chọn những giống cây thảo dược như cà gai leo, cỏ ngọt, đinh lăng nếp, dã cam thảo… để làm sinh kế cho các thành viên trong HTX. Những loại cây này phù hợp với thể trạng sức khoẻ của các thành viên là người khuyết tật trong HTX vì dễ trồng, thuận tiện chăm sóc, chỉ cần sử dụng phân hữu cơ và dọn cỏ là có thể sống tốt.

Tuy nhiên, chị lại phải đối diện với khó khăn khác. Đó là nhiều trường hợp người khuyết tật tham gia HTX Tâm Ngọc cần được hỗ trợ, hướng dẫn từ những điều cơ bản nhất về quy trình, kỹ thuật canh tác. HTX đã phân chia thành nhiều nhóm để làm những công việc cụ thể. Mỗi nhóm có một nhóm trưởng có khả năng đốc thúc, giúp đỡ những thành viên khác đảm bảo tiến độ.

“Thông thường, người khuyết tật sẽ phải qua 6 tháng hướng dẫn mới có thể làm được việc. Thế nhưng đã có một số trường hợp sau 8 tháng hướng dẫn vẫn không thể làm được do khuyết tật về trí tuệ, chúng tôi đành phải gửi trả lại gia đình”, Giám đốc HTX Tâm Ngọc kể.

Hiện tại, 41 thành viên của HTX dù có hoàn cảnh và khuyết tật khác nhau, người thì khuyết chân, người thiếu tay, người khiếm thính…, nhưng tất cả đều được sắp xếp công việc phù hợp với khả năng và sức khoẻ, để ai cũng thấy mình còn có ích cho gia đình và xã hội. HTX không nhận bất kỳ khoản chi phí nào từ phía gia đình người khuyết tật.

Nhờ sự nỗ lực của bản thân mỗi thành viên, cộng hưởng với sự quan tâm, chia sẻ của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, thu nhập của thành viên HTX Tâm Ngọc bây giờ đạt trung bình từ 1,5 triệu đồng – 8 triệu đồng/người/tháng, tuỳ theo khả năng làm việc.

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Ngay từ khi thành lập HTX Tâm Ngọc, chị Thuần xác định tất cả sản phẩm HTX làm ra đều phải xuất phát từ tâm người sản xuất, vì sức khoẻ người tiêu dùng.

“Chỉ khi người tiêu dùng sử dụng thấy hiệu quả thì HTX mới có thể duy trì hoạt động và phát triển bền vững. Còn nếu sản phẩm không hiệu quả, không mang lại sự cải thiện tích cực cho sức khoẻ thì sẽ khó có thể tồn tại được”, chị Thuần chia sẻ.

Có một kỷ niệm mà chị Thuần nhớ mãi. Lần ấy, nhân viên đóng gói hàng của HTX vốn rất thích uống trà đinh lăng, đã… gửi nhầm hàng cho khách!

“Sau khi nghe giải thích lý do và dùng thử sản phẩm, vị khách rất bất ngờ với hương vị trà đinh lăng, bèn đặt mua thêm và giới thiệu trà tới nhiều người khác. Niềm vui có được từ “sự cố” này đã trở thành động lực để các thành viên HTX tiếp tục nỗ lực phấn đấu, sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm khác tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”, chị Thuần vui vẻ kể.

Điều chị Thuần cũng như các thành viên HTX Tâm Ngọc tâm đắc nhất là các diện tích sản xuất cây dược liệu của HTX đã được cấp chứng nhận hữu cơ. Các sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ thuận tự nhiên, áp dụng công nghệ sấy lạnh giúp giữ nguyên được hình dạng, màu sắc, giá trị dinh dưỡng, và đặc biệt là vẫn đảm bảo được dược tính của sản phẩm thảo dược (hầu hết các sản phẩm tương tự trên thị trường không có được điều này).

Thời gian qua, thấy rõ công dụng, hiệu quả của các sản phẩm “sạch” do HTX Tâm Ngọc sản xuất ra, chính người tiêu dùng đã lan toả đến nhiều người khác. Đến nay, bên cạnh các kênh kinh doanh truyền thống, HTX còn phân phối được sản phẩm qua nhiều kênh phân phối hiện đại như mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử…

“Tháng 3/2022, HTX Tâm Ngọc có thêm vùng chuyên trồng cây thảo dược tại Hàm Yên – Tuyên Quang nhằm mở rộng nguồn nguyên liệu để chế biến túi trà thảo mộc hiện đang rất được ưa chuộng. Mới đây, chúng tôi còn trồng cả gạo lứt huyết rồng, một số loại rau, củ, quả như mướp, bí, dưa lê, ổi, bưởi, mít… và gà thả vườn vừa để phục vụ đời sống, tăng cường sức khỏe lại vừa gia tăng thu nhập cho các thành viên”, chị Thuần phấn khởi cho biết.

Chia sẻ về dự định tương lai, chị Thuần mong muốn có thể huy động thêm vốn, mua sắm thêm một số trang thiết bị máy móc như máy thu hoạch, máy băm thái, máy đóng gói trà túi lọc… nhằm hỗ trợ thành viên người khuyết tật làm nông nghiệp thuận lợi hơn.

Đồng thời, phát triển thêm các loại cây thảo dược có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng, đinh lăng hoa vàng… để tạo thêm nhiều việc làm, hỗ trợ nhiều người khuyết tật hơn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống xã viên.

Theo Báo NNVN

Bài đọc thêm:

  1. Nhìn thẳng sự thật san hô bị chết trắng và cần giải pháp bảo tồn
  2. Đồng Nai: Giữ rừng bằng khu du lịch sinh thái của người Tà Lài
  3. Ra mắt Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo ngành rau, hoa, quả phía Nam
  4. Trồng atisô vừa làm giàu sinh thái, vừa tạo lợn nhuận hàng tỷ/ha
  5. Những công nghệ nuôi thủy sản hiện đại nhất đã có ở Lâm Đồng
  6. Mega A Logistics mở tuyến hàng hải Việt Nam-Nga trong tháng 8

Popular Posts

Back To Top