Bắt đầu từ 23/5, Indonesia sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cọ sau gần 1 tháng ban hành lệnh cấm do lo ngại nguồn cung trong nước thiếu hụt.
- Tình trạng thiếu dầu ăn buộc nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới buộc dừng xuất khẩu.
- Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ gây ra nhiều tác động tiêu cực cho cả trong và ngoài nước.
Tại cuộc họp báo báo trực tuyến, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ sẽ làm giảm bớt áp lực lên thị trường dầu thực vật toàn cầu, sau khi giá mặt hàng này tăng vọt, do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Trước đó, Hiệp hội Dầu cọ Indonesia cảnh báo nước này có thể thiệt hại hơn 35 tỷ USD do lệnh cấm xuất khẩu này. Chưa kể, hiện có 17 triệu người làm việc trong ngành sản xuất dầu cọ, gồm nông dân và các lao động phụ trợ khác.
“Mặc dù xuất khẩu đã được nối lại, nhưng chính phủ Indonesia vẫn sẽ giám sát chặt chẽ mọi động thái nhằm đảm bảo đáp ứng được nguồn cung trong nước với giá thành hợp lý. Tôi tin rằng trong vài tuần tới, giá dầu ăn sẽ phải chăng hơn khi nguồn cung dồi dào trên thị trường quốc tế”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh.
Năm 2021, sản lượng dầu cọ của Indonesia đạt 51,3 triệu tấn, trong đó 35% là tiêu thụ nội địa, còn lại là xuất khẩu.
Dù là nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 60% lượng sản xuất dầu cọ toàn cầu), nhưng Indonesia đã phải đối mặt với thực trạng thiếu dầu ăn trong nhiều tháng do quy định lỏng lẻo và các nhà sản xuất nội địa miễn cưỡng bán hàng trong nước.
Do vậy, nhiều tiểu thương mong muốn tình trạng tương tự không tái diễn khi hoạt động xuất khẩu được nối lại. Người tiêu dùng Indonesia có những thời điểm phải mất hàng giờ xếp hàng tại các trung tâm phân phối mới có thể mua được mặt hàng này.
“Chúng tôi biết việc xuất khẩu sẽ mang lại thu nhập và ngoại tệ cho đất nước, nhưng chính phủ cũng hãy luôn ưu tiên nhu cầu nội địa. Đừng để dầu ăn không thể tiếp cận được với các nhà phân phối. Tôi hy vọng rằng trong khi xuất khẩu được tiếp tục, nguồn cung dự trữ trong nước sẽ vẫn đủ, để giá có thể ổn định, hoặc thậm chí giảm”, tiểu thương phân phối dầu ăn chia sẻ.
“Tôi mong giá dầu ăn có thể giảm xuống dưới 12.000 Rupiah/lít để gia đình nào cũng có thể mua được vì đây là hàng hóa thiết yếu với mọi nhà”, một người dân Indonesia bày tỏ.
Trước khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ, nhiều doanh nghiệp dầu cọ lo ngại hoạt động kinh doanh có thể bị thua lỗ, thậm chí phá sản vì phải ngừng chế biến nếu dầu cọ không được thị trường trong nước tiêu thụ hết.
Theo VTV
Bài đọc thêm